Việt Nam âm thầm bồi đắp một số đảo, bãi đá ở Trường Sa

Đảo Nam Yết mở rộng gần đây
Nghe đọc bài

Việt Nam được ghi nhận âm thầm bồi đắp mở rộng một số thực thể đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa, theo tổ chức nghiên cứu chính trị CSIS ở Washington, DC.

Theo các chuyên gia thuộc bộ phận Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc CSIS công bố giữa tuần qua, từ khoảng sáu tháng qua, Việt Nam đã nạo hút và bồi đắp ba trong số những thực thể đang trấn giữ ở quần đảo Trường Sa.

Nếu kể cả năm ngoái, Việt Nam đã và đang tiếp tục có những cải tiến nhỏ và xây dựng thêm một số tòa nhà tại một số cứ điểm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sửa chữa những hư hại tại đảo Song Tử Tây đã bị trận bão lớn gây ra hồi tháng 12/2021.

So với tầm vóc quy mô lớn của Trung Quốc khi họ bồi đắp bảy bãi đá ngầm thành bảy đảo nhân tạo khổng lồ từ năm 2013 đến 2016, các hoạt động của Việt Nam không đáng kể. Dù vậy, những việc cơi nới gần đây cũng coi như sự tăng tốc nhẹ thay vì chỉ từ từ chậm chạp cơi nới để tránh gây chú ý.

Việt Nam không phải là nước duy nhất có hành động bồi đắp hay mở rộng các vị trí ở Trường Sa nhưng vẫn không muốn trở thành đề tài để các nước khác đả kích. Thật ra, Bắc Kinh vẫn theo dõi rất sát các hoạt động của Việt Nam tại Biển Đông trên mọi mặt từ đánh cá, khai thác dầu khí đến nhòm ngó các đảo và nhà giàn DK của Việt Nam.

Ngày 15/3, tổ chức Nghiên Cứu Biển Đông (SCSPI) của Bắc Kinh viết trên Twitter là Việt Nam đã bồi đắp 37 mẫu đất và còn tiếp diễn.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh thấy Việt Nam đang bồi đắp rất nhanh tại đá Tiên Nữ (tên quốc tế là Tennent Reef). Đây là thực thể thứ bảy mà Việt Nam đang bồi đắp ở Trường Sa, không kể những thực thể khác đã bồi đắp từ giữa năm 2021 từng được báo động cuối năm ngoái như tại đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết, đảo Phan Vinh, Đá Tây, và đá Thuyền Chài.

Thông tin vừa kể là của SCSPI, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng theo tổ chức AMTI của Mỹ thì Việt Nam bắt đầu nạo hút cát, cơi nới từ tháng 10/2021, tại ba thực thể là Phan Vinh, Nam Yết và Sơn Ca. Khoảng 50 mẫu đất được bồi đắp thêm tại mỗi đảo Phan Vinh và Nam Yết trong khi chỉ bồi đắp thêm 7 mẫu tại Sơn Ca.

Việt Nam có vẻ nạo vét những bến tàu khiêm tốn tại mỗi cơ sở với lối ra vào xuyên qua các rạn san hô hầu nối với biển sâu phía ngoài. Đây là cách cải tiến mà Việt Nam đã làm tại tất cả các vị trí họ trấn giữ trong thời gian qua.

Cách bồi đắp cơi nới của Việt Nam tốn nhiều thời giờ và rất chậm chạp khác với cách của Trung Quốc. Theo AMTI, phía Việt Nam dùng các gàu bốc xúc của cần trục xúc cát dưới lòng biển rồi đổ vào chỗ nào muốn bồi đắp. Trung Quốc thì cho nhiều tàu lớn có các máy cắt và hút để bồi đắp nên nhiều và nhanh thành đảo nhân tạo.

(Theo Người Việt)