Home Trung Quốc Làm đường sắt cao tốc Việt-Trung: Lợi ít, hại nhiều

Làm đường sắt cao tốc Việt-Trung: Lợi ít, hại nhiều

Nghe đọc bài

“Đường sắt tốc độ cao mang lại cái lợi cho Việt Nam, có thể tăng cường buôn bán một ít, nhưng mà lợi thì ít mà hại thì nhiều hơn”, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu ý kiến.

Bốn nhà trí thức ở Việt Nam và Mỹ nói rằng thấy lo nhiều hơn mừng về việc Việt Nam nhắm mục tiêu xây 2 tuyến đường sắt tốc độ cao nối Hà Nội với Trung Quốc trước năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết tối hôm 9/4 rằng quốc gia này tính xây một tuyến đường sắt tốc độ cao từ hai thành phố cảng Quảng Ninh và Hải Phòng qua Hà Nội đến tỉnh Lào Cai, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; và một tuyến từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của nước láng giềng.

Với thực tế Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 172 tỷ đô la năm 2023 và quý 1 năm nay đạt 43,6 tỷ đô la – bốn nhà trí thức nhận định với VOA rằng việc xây 2 tuyến đường sắt hiện đại dĩ nhiên mang lại những lợi ích nhất định cho Việt Nam, song họ cũng cảnh báo rằng những bất lợi có thể còn lớn hơn.

“Nói tổng thể việc nối đường sắt Việt Nam-Trung Quốc, tôi cho rằng vẫn có lợi, bởi vì vận tải đường sắt là một trong những yếu tố tạo ra giá thành rất rẻ. Nhưng quản lý nó như thế nào, vận hành nó như thế nào để Việt Nam chiếm ưu thế hơn, thì đấy là vấn đề được đặt ra”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đưa ra suy nghĩ.

Góp lời về vấn đề này, một chuyên gia về chính sách công đã nghỉ hưu nói với với điều kiện ẩn danh: “Tất nhiên hai tuyến đường sắt cũng đem lại chút lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam khi giao thông thuận tiện hơn. Nhưng đó là thứ lợi ích nhỏ nhoi rơi vãi”.

“Nó có mang lại cái lợi cho Việt Nam, có thể tăng cường buôn bán một ít, nhưng mà lợi thì ít mà hại thì nhiều hơn”, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một nhà phản biện nổi tiếng ở Việt Nam, nêu ý kiến.

Theo ông, không thể loại trừ nguy cơ tài chính nếu Việt Nam vay mượn Trung Quốc để làm hai dự án.

Ông Cống dẫn ra trường hợp một số nước bị sa lầy trong nợ nần với Trung Quốc, đã được báo chí quốc tế đưa tin: “Bẫy nợ Trung Quốc đã dàn ra, nhiều nước đã mắc rồi, như Sri Lanka, mấy nước châu Á, châu Phi đã mắc rồi. Khả năng của Việt Nam mắc bẫy nợ của Trung Quốc là lớn”.

Từ Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến có chung quan điểm với Giáo sư Nguyễn Đình Cống: “Tôi nghĩ là nó bất lợi hơn là có lợi. Tôi nghĩ trường hợp Việt Nam cũng như những nước đang nghèo khó khác nếu đi vào con đường này là dính bẫy nợ của Trung Quốc”.

Ông Tiến, với bề dày kinh nghiệm nhiều thập niên trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giờ đã nghỉ hưu, cũng tỏ ý băn khoăn liệu 2 tuyến đường có đủ hành khách và khách hàng vận tải sử dụng không, nếu không sẽ lỗ.

“Trong nhiều trường hợp các nước khác mua đường sắt của Trung Quốc phải vay mượn người ta, kỹ thuật người ta nắm. Rốt cuộc, về lâu về dài anh sẽ dính vào bẫy nợ”, ông Tiến nói.

(Theo VOA)