Ông Cà Mau tự tử vì bản án tù oan ức

Các con ông Lê Minh Lỉnh tại đám tang
Nghe đọc bài

Trong thư tuyệt mệnh, ông Lê Minh Lỉnh nói lời vĩnh biệt với người thân, nhờ gia đình chăm sóc giùm ba đứa con nhỏ.

Nhà chức trách xác nhận bị cáo Lê Minh Lỉnh chết tại bệnh viện sau khi được đưa đi cấp cứu do uống thuốc trừ cỏ.

Theo báo Tiền Phong hôm 22 Tháng Ba, trước đó, bị cáo Lê Minh Lỉnh bị Tòa Án Tỉnh Cà Mau tuyên y án hai năm rưỡi tù với cáo buộc là đồng phạm trong một vụ cố ý gây thương tích.

Bị cáo này được cho tại ngoại khi phiên tòa diễn ra.

Trước lúc tự sát, bị cáo Lỉnh để lại một thư tuyệt mệnh và đoạn video clip dài 2 phút 54 giây nói lên sự oan ức của mình.

Trong thư, ông này nói lời vĩnh biệt với người thân, nhờ gia đình chăm sóc giùm ba đứa con nhỏ.

Cáo trạng vụ án cho hay vào hôm 21 Tháng Ba, 2022, tại một quán cà phê ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Duy Phương thấy ông Nguyễn Vũ Kha và ông Nguyễn Hoàng Nam ngồi trong quán và nhìn mình chăm chăm.

Ông Phương hỏi hai người kia: “Nhìn gì, muốn gì?”

Khi hai ông Kha và Nam đáp lại, ông Phương nghe không rõ, cho rằng mình bị chửi, nên lấy dao tự chế rồi rủ bốn người bạn “đi công chuyện,” trong đó có bị cáo Lê Minh Lỉnh.

Quay lại quán, thấy hai ông Kha và Nam vẫn ngồi lại, ông Phương cầm dao xông tới chém liên tiếp vào người ông Kha, khiến ông này bị tổn hại 25% sức khỏe.

Ở hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều kháng cáo kêu oan, trong đó có bị cáo Lỉnh. Tuy nhiên, cả hai phiên tòa đều kết án bị cáo Lỉnh hai năm rưỡi tù.

Đây không phải lần đầu tiên có bị cáo tự sát sau phiên tòa vì oan ức.

Hồi cuối Tháng Năm, 2020, báo VNExpress tường thuật, bị cáo Lương Hữu Phước, 55 tuổi, ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nhảy lầu chết ngay tại sân tòa án tỉnh này, sau vài giờ bị kết án ba năm tù.

Bị cáo Phước bị tòa khép tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và được cho tại ngoại khi sự việc xảy ra.

Theo cáo trạng, bị cáo Phước liên quan một vụ đụng xe chết người xảy ra ở thành phố Đồng Xoài.

Bản tin dẫn lời Luật Sư Dương Vĩnh Tuyến, người bào chữa cho ông Phước: “Qua hồ sơ và các lời khai của người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng cho thấy ông Phước không gây ra tai nạn và không tạo ra các điều kiện để người khác gây tai nạn với mình.”

Sau cái chết của bị cáo Phước, các báo ở Việt Nam dẫn lời Thẩm Phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, khẳng định rằng phán quyết dành cho ông này “là đúng pháp luật.” 

(Theo Người Việt)