CSVN chơi trò tách ra rồi lại sáp nhập các tỉnh, thành: 20 tỉnh ‘lên thớt’

Nghe đọc bài

Hôm 17 Tháng Bảy, báo Tuổi Trẻ liệt kê danh sách 20 tỉnh thành sắp bị Bộ Nội Vụ CSVN cho sáp nhập lại với nhau.

Theo danh sách, các tỉnh trên bao gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai và Hậu Giang.

Các tỉnh trên bị cho là “có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên” hoặc “có dân số thấp nhất cả nước.”

Điển hình mới nhất là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang vừa chia tách 17 năm, thì nay có trong danh sách bị sáp nhập lại. Trước đây (1976-1991) tỉnh Hậu Giang cũ bao gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Cuối năm 1991 tỉnh Hậu Giang được chia thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 1 Tháng Giêng, 2004, tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang.

Theo báo Tuổi Trẻ, việc sáp nhập các tỉnh sẽ được Bộ Nội Vụ “đề nghị thí điểm thực hiện trong thời gian tới.”

Dự trù trong quý 4 năm nay, Ban Cán Sự Đảng Chính Phủ sẽ trình Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương xem xét để thông qua đề án sáp nhập các tỉnh nêu trên.

Khi tin về vụ sáp nhập các tỉnh thành được loan báo, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự chán ngán về giới chức Bộ Nội Vụ “quá rảnh,” cứ sau một vài năm lại tính chuyện tách ra, nhập vào các địa phương.

Theo giới quan sát, lịch sử Việt Nam có lẽ chưa có thời nào lại có nhiều nhập rồi tách tỉnh như giai đoạn từ năm 1954 cho đến năm 2004.

Ông Nguyễn Ngọc Chu, cựu cán bộ Viện Toán Học Việt Nam, chỉ trích trên trang cá nhân: “Bài học sáp nhập tỉnh năm 1975-1978 luôn phải ghi nhớ. Bài học chia tỉnh năm 1989-1997, 2004… luôn phải ghi nhớ. Trong 76 năm tồn tại nước VNDCCH và CHXHCNVN, việc nhập tách tỉnh, huyện, xã đã tiến hành nhiều lần, thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy không lần nào chứng minh được lợi ích, ngoài sự thiệt hại.”

Ông Nguyễn Như Phong, cựu đại tá công an và là cựu tổng biên tập báo Năng Lượng Mới (Petrotimes) thuộc tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Tôi cho rằng, những kẻ nghĩ ra sáng kiến này [sáp nhập các tỉnh thành] là lớp hậu sinh. Đám này không biết gì về hậu quả của việc sáp nhập từ những năm sau 1975 và cơ bản đã tan rã hết sau năm 1990.”

Bà Phạm Thị Thanh Trà, bộ trưởng Nội Vụ CSVN, được cho là người đứng sau vụ sáp nhập các tỉnh thành. (Hình: Zing)

“Tôi không hiểu khi họ đưa ra ‘sáng kiến’ quái gở này, họ có nghiên cứu cho thấu đáo: Tại sao việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh của những năm xưa bị thất bại hay không? Và hậu quả để lại của việc làm duy ý chí đó là gì?” theo Facebook Nguyễn Như Phong.

Vị cựu tổng biên tập cũng nêu đề nghị giới hữu trách ở Bộ Nội Vụ “nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, của các tầng lớp nhân sĩ, trí thức của các tỉnh sẽ bị sáp nhập” và cần phải có công trình nghiên cứu “Vì sao việc sáp nhập đi lên sản xuất lớn XHCN của những năm cuối thập niên 1970 thế kỷ trước bị thất bại và hậu quả.”

Theo Người Việt