‘Giai thoại’ về Hậu ‘Pháo’ – con nuôi Trịnh Đình Dũng

Nguyễn Văn Hậu
Nghe đọc bài

Ngày 27-2-2024, Bộ Công an khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. “Ông lão đánh cá” đã trở về với cái máng lợn. Tỷ phú Hậu “vịt” từ giờ quay lại nơi xuất phát, có điều không đi chăn vịt nữa, mà “chăn kiến” trong trại giam.

Lâu nay, báo chí quốc doanh thường đề cập đến nạn quan chức bảo kê cho doanh nghiệp, công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân, hoạt động trên các địa phương, tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên, việc chỉ đích danh các chóp bu trong thượng tầng chính trị của đảng, đang bảo kê, hậu thuẫn nọ kia, thì không ai dám nhắc đến. Nhân việc Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt, chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều về vấn nạn bảo kê nhức nhối này.

Nguyễn Văn Hậu, còn gọi là Hậu “pháo”, Hậu “nổ”, Hậu “vịt”, 43 tuổi, quê Vĩnh Phúc. Hậu sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ phải đi chăn vịt, làm ruộng. Học hết cấp hai, Hậu bỏ ngang, đi làm thợ xây dựng. Tuổi ngoài đôi mươi, Hậu được người bà con bên mẹ là bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận làm con nuôi.


Từ đó, cuộc đời Nguyễn Văn Hậu chính thức bước sang trang mới. Năm 2004, Hậu “vịt” lập công ty Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, sau nâng lên Tập đoàn Phúc Sơn. Phúc Sơn trúng thầu hầu hết các dự án công ích, các công trình lớn của tỉnh Vĩnh Phúc như chợ búa, trường học, bệnh viện, công sở.


“Bố nuôi” vào Trung ương đảng, lên thứ trưởng, bộ trưởng, Phó thủ tướng, thì Hậu “vịt” cũng bám theo những nấc thang quyền lực đó mà làm giàu. Phúc Sơn được thầu các dự án khủng, được đầu tư ngàn tỷ từ ngân sách nhà nước, như: Xây dựng hạ tầng đô thị, khu dân cư, xây chợ, xây kênh đê, nạo vét sông Hồng, xây các toà nhà trung tâm hành chính, mở đường…


Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu và thắng lớn tại nhiều dự án ngàn tỷ ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội… và vươn đến tận… tỉnh Khánh Hòa! Tại Khánh Hòa, được Trịnh Đình Dũng và Phùng Quang Thanh bảo kê, Hậu “vịt” được tham gia “xẻ thịt” Sân bay Nha Trang với dự án có số vốn lên tới 10.000 tỉ đồng.


Kinh doanh với người sống chưa đủ, Hậu “vịt” còn chi ra 1500 tỷ để xây dựng nghĩa trang Thiên An Viên, Vĩnh Phúc,để “phân lô, bán nền” cho người chết!


Trâu buộc ghét trâu ăn. Các phe nhóm ở thượng tầng vốn không ưa Trịnh Đình Dũng, bắt đầu nhắm vào Hậu “vịt” để ra đòn.


Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng nhảy vào. Tỉnh Khánh Hòa căn cứ vào số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại “Thông báo số 680” năm 2019, để truy thu 12.000 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy vậy, Hậu “vịt” đưa ra những lập luận khác để bác bỏ, chỉ nộp cho Khánh Hòa 370 tỷ đồng.


Năm 2021, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận, có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật trong việc giao đất sân bay Nha Trang cho Tập đoàn Phúc Sơn và các nhà đầ tư khác. Bộ Công an, Công an tỉnh Khánh Hoà bắt đầu vào cuộc, nhưng mọi cuộc điều tra vẫn giậm chân tại chỗ.


Ngày 27-1-2024, Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 bị Bộ Chính trị khiển trách về mặt đảng. Khi “bố nuôi” đã rời chính trường, lại còn phải nhận kỷ luật, nên số phận Nguyễn Văn Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn đã được định đoạt.


Ngày 27-2-2024, Bộ Công an khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. “Ông lão đánh cá” đã trở về với cái máng lợn. Tỷ phú Hậu “vịt” từ giờ quay lại nơi xuất phát, có điều không đi chăn vịt nữa, mà “chăn kiến” trong trại giam.

Ngược thời gian, sẽ thấy rõ hơn những câu chuyện bảo kê còn rúng động hơn nhiều so với Hậu — Dũng. Ở các vụ kia, nhân vật chính giấu mặt phía sau, không lộ diện; dù chỉ nghe tên, người nghe đã kinh hồn bạt vía.


Trần Thị Hường, còn gọi là bà Tư Hường (1936-2017), quê Bình Định. Bà Tư Hường kể, bà sinh ra trong gia đình nghèo, đông con. Học chưa hết lớp 5, phải đi ở đợ, buôn dầu dừa, đậu phộng, bỏ mối rượu… Sau năm 1975, gia đình bà Tư Hường dắt díu nhau vào Sài Gòn sinh sống. Rồi bà móc nối với các công ty quốc doanh, thuê đất, góp vốn, xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng, rồi chuyển nhượng, bán cổ phần cho các đối tác.


Tiền sinh ra tiền, bà Tư Hường đứng đầu “đế chế” bất động sản Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á (NamABank), sở hữu Trường Đại Học Quang Trung, Quy Nhơn và rất nhiều dự án, bất động sản, cùng chuỗi các công ty con của Hoàn Cầu khắp cả nước.


Cả ông Sáu Khải và bà Tư Hường đều ra người thiên cổ, cho nên chúng tôi không đi sâu chi tiết cơ duyên mối quan hệ giữa hai người. Chỉ muốn khẳng định rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải chính là nhân vật đứng sau lưng, giúp đỡ và bảo kê cho bà Tư Hường kinh doanh. Ông Sáu Khải giúp bà Tư Hường từ khi ông còn làm Phó bí thư, chủ tịch UBND thành Hồ.

Năm 2017, khi bà Tư Hường qua đời, gia đình bà đã nổ ra cuộc chiến tranh chấp khối tài sản khoảng 30.000 tỉ đồng mà bà để lại. Đỉnh điểm giành giật, dẫn đến cha tố con trai, rồi ba cô con gái phát đơn tố cáo cha ruột tuổi ngoài 90. Đơn tố cáo rúng động cả nước, gởi đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao… tốn khá nhiều bút mực của các phóng viên báo đảng và các cuộc tranh luận trên các diễn đàn.

Trần Kỳ Khôi