Bác sĩ Hà Nội chỉ trích họa sĩ vẽ chiến sĩ Điện Biên ‘như thằng trộm chó’

Dư luận viên và Ban Tuyên giáo Trung ương bất bình vì hình ảnh chiến sĩ Điện Biên trong tranh của họa sĩ Mai Duy Minh
Nghe đọc bài

Vị bác sĩ từng được nhà cầm quyền CSVN cho danh hiệu “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014” công kích họa sĩ vẽ bức tranh “Điện Biên Phủ” gây tranh cãi.

Sau khi cuộc triển lãm tranh Điện Biên Phủ của họa sĩ Mai Duy Minh bị Hà Nội ra lệnh dừng vì vẽ cờ đỏ “rách tả tơi” và anh chiến sĩ “hom hem”, ông Trần Văn Phúc, người được chính quyền trao danh hiệu “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014” cho biết:

“Có thể nói, ngoại hình và thể lực, cùng với phẩm chất của người chiến sĩ Điện Biên, thời kì đó là chuẩn mực không thể chuẩn mực hơn, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào so sánh với bất kì lực lượng vũ trang nào trên toàn thế giới.

Trong chiến trường ác liệt, dù phải chiến đấu ngủ hầm hào nhưng vẫn đúng giờ, sáng dậy phải gấp chăn vuông như viên gạch, tác phong nội vụ chuẩn mực. Quân phục chiến đấu là cực kì quan trọng, trước khi ra trận, người chỉ huy đều chỉnh đốn hàng ngũ, hô khẩu lệnh đứng nghiêm, chỉnh đốn quân trang quân phục, sau đó mới nghe mệnh lệnh, làm gì có chuyện ăn mặc rách rưới bôi nhếch, quần xắn móng lợn như sắp sửa ra đồng.

Một quân đội mà người chiến sĩ lôi thôi lếch thếch như trong bức tranh thì đánh đấm gì. Đó là tôi chưa kể, chất liệu vải của quân đội khá tốt, rất khó để rách, nên không thể viện cớ chiến tranh khắc nghiệt mà hình ảnh người chiến sĩ xấu xí, đến nỗi có độc giả phải ví như “thằng ăn trộm chó”.

Tôi cũng như các bạn, nhiều người có ông, cha, chú bác, anh em là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay nhìn vào bức tranh này chắc chắn hiếm có người đồng tình, trừ những ai không có trái tim và khối óc, mà chỉ có những ẩn ức vong nô chất chứa trong lòng.
Tôi không hiểu ý tưởng thâm thuý cao siêu của người vẽ bức tranh, mà chỉ công nhận bức tranh này người vẽ rất khéo tay, bỏ ra nhiều công sức và cầu kì, nhưng khi nhìn vào nó tôi cứ tưởng đó là trận Waterloo.”
Đừng quá lý tưởng hóa kiểu tuyên huấn hay tuyên giáo
Facebooker Quang Minh Vu bình luận: “Ông Phúc viết có vẻ đúng, nhưng chỉ đúng ở một phần nhỏ, chứ không đúng với đa phần. Ông là sĩ quan dự bị và chắc chắn chưa tham chiến một ngày nào. Tôi là sĩ quan chính ngạch của “Quân đội nhân dân Việt nam” và đã từng lăn lộn nơi chiến trường, nên chắc chắn tôi hiểu Quân đội Việt nam hơn ông nhiều.
Hình ảnh lá cờ rách trong tranh là mô tả đúng sự thật ác liệt của cuộc chiến. Vì lý do nào đó lá cờ còn lành lặn cũng chỉ là ngẫu nhiên. Cờ rách trong chiến đấu, đối với người lính, tuyệt nhiên không mang ý nghĩa tiêu cực mà ông cố gán ghép một cách cảm tính như trên. Vấn đề lớn nhất đối với họ, ngoài cục diện cuối cùng của cuộc chiến, là sinh mạng đồng đội, bao nhiêu người hy sinh, bao nhiêu người phải cứu chữa vì thương tật…Cờ nếu có rách, cũng rách rồi. Tên đạn trong chiến đấu, sinh mạng con người còn không tiếc, tiếc gì lá cờ.
Đừng quá lý tưởng hóa kiểu tuyên huấn hay tuyên giáo ở đây. Ông càng viết càng chứng tỏ ông không hiểu gì về chiến tranh. Hình ảnh lá cờ trong bức vẽ trên là sự trung thực với thực tế và vì thế nó sinh động. Về hình ảnh người lính cũng vậy. Tôi đã tận mắt nhìn thấy không ít các “anh bộ đội” ngoài đời thực xấu xí như người lính trong bức tranh trên, bởi tôi là đồng đội của họ, nên tôi quen mắt rồi. Tôi không tự ái đến mức bức xúc như ông và nhiều người khác.”

Bài liên quan

CSVN tăng kiểm duyệt là chỉ dấu chế độ đang suy yếu?

Từ chuyện tự tử đến lá cờ rách
Tranh vẽ cờ đỏ ‘rách te tua’ khiến triển lãm hội họa Điện Biên Phủ bị dừng