Ý đồ “dạy cho Ấn Độ một bài học” của Bắc Kinh thất bại

Nghe đọc bài

Ngày 15/06/2020, một vụ đụng độ đẫm máu đã bất ngờ xẩy ra giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan vùng Ladakh, ở khu vực biên giới có tranh chấp giữa hai nước trên vùng Himalaya. Dù không dùng đến súng đạn, mà chỉ dùng gậy, đá và tay không, cuộc giáp lá cà đã khiến cho 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, và một tổn thất được cho là nặng hơn phía Trung Quốc, nhưng bị Bắc Kinh hoàn toàn che giấu.

Ai là người đã khơi mào cho sự cố biên giới, mà hãng tin Anh Reuters ngày 17/06 cho là nghiêm trọng nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ năm 1967 đến nay ? Câu hỏi này đến giờ chưa có lời giải đáp rõ ràng. Bắc Kinh thì tố cáo New Delhi cho lính vượt biên giới trước, ngược lại thì Ấn Độ khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của mình.

Trong bối cảnh đó, ngày 22/06 vừa qua, tạp chí Mỹ US News and World Report đã tiết lộ nội dung một thẩm định của tình báo Mỹ theo đó thì chính phía Trung Quốc đã ra lệnh tấn công vào lính Ấn Độ ở vùng thung lũng sông Galwan. Người ra lệnh là viên tướng Trung Quốc chịu trách nhiệm khu vực biên giới, nhưng theo giới phân tích, chủ tịch Trung Quốc không thể không biết đến lệnh tấn công này.

 “Dạy một bài học” cho Ấn Độ như với Việt Nam ?

Tạp chí Mỹ đã trích dẫn một nguồn tin biết rõ bản báo cáo của tình báo Mỹ xác nhận rằng tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến Khu Tây Bộ của Quân Đội Trung Quốc, là người đã tán đồng chiến dịch tấn công ở vùng biên giới tranh chấp, nằm ở phía bắc Ấn Độ, nhưng ở phía tây nam Trung Quốc.

Theo nguồn tin trên, viên tướng họ Triệu là một trong số rất ít cựu binh có kinh nghiệm chiến trường thực thụ còn phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Là người đã giám sát những vụ đối đầu với Ấn Độ trước đây, tướng Triệu Tông Kỳ từng cho rằng Trung Quốc không nên tỏ ra mềm yếu để khỏi bị Mỹ và đồng minh của Mỹ, kể cả Ấn Độ, lợi dụng. Theo nhân vật này, cuộc “đối đầu” vừa qua là một “bài học dạy cho Ấn Độ”.

Ý muốn giáo huấn Ấn Độ không khỏi gợi lại một cuộc chiến khác mà Trung Quốc đã khởi động, tấn công vào các tỉnh biên giới miền Bắc Việt Nam vào năm 1979, mà theo lời lãnh đạo Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình, cũng nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Theo nhận định chung của giới sử gia, Trung Quốc đã bị thua Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới đó.

Theo ghi nhận của tình báo Mỹ, tướng Triệu Tông Kỳ, người đã từng tham gia cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt với Việt Nam vào năm 1979, từng cho rằng các tướng lãnh Trung Quốc thời đó đã không xử lý đúng đắn cuộc xung đột với Việt Nam. Thế nhưng, gần đây hơn, vào năm 2017, viên tướng này cũng tham gia vào cuộc đối đầu với Ấn Độ ở Doklam, một khu vực tranh chấp khác dọc theo biên giới hai bên. Cuộc đọ sức kết thúc khi lính Ấn Độ đánh bật lực lượng Trung Quốc trước khi hai bên thỏa thuận cùng rút quân.

Bài học cho Ấn Độ bị phản tác dụng

Thông tin tình báo Mỹ kể trên hoàn toàn bác bỏ các khẳng định của Trung Quốc về những gì đã xẩy ra ở thung lũng Galwan. Sự cố đẫm máu không xuất phát từ tình hình căng thẳng leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát, mà bắt nguồn từ một quyết định có chủ đích của Bắc Kinh, muốn gởi một thông điệp cứng rắn đến Ấn Độ.

Vấn đề là sự cố đã gây nên một làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa dứt, và mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới khi gây sự cố là hù dọa Ấn Độ, buộc nước này mềm dẻo hơn trong những cuộc đàm phán tới đây, kể cả về tranh chấp lãnh thổ, như đã phản tác dụng, đẩy quốc gia này xích lại gần Mỹ hơn.

Khả năng Trung Quốc bị thiệt hại sẽ không nhỏ. Từ nhiều tháng qua, Hoa Kỳ luôn gây sức ép để New Delhi không sử dụng thiết bị của Hoa Vi cho màng lưới 5G của Ấn Độ. Sau sự cố vừa qua, có tin là nhiều người Ấn Độ đã xóa bỏ ứng dụng TikTok của Trung Quốc và phá hủy các điện thoại do Trung Quốc sản xuất.

Theo nguồn tin được tạp chí US News and World Report trích dẫn: “Hậu quả đã đi ngược lại những gì Trung Quốc mong muốn và không hề là một thắng lợi cho giới quân sự Trung Quốc”.

Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã can dự đến đâu trong những quyết định dẫn đến sự cố vừa qua. Giới bình luận quen thuộc với cách thức quyết định của Quân Đội Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình chắc chắn có biết về lệnh đưa ra.

Trong những tháng gần đây, binh lính hai nước đã tập trung hai bên biên giới, ở vùng Ladakh phía bắc Ấn Độ và vùng Aksai Chin phía tây nam Trung Quốc. Hawkeye 360, một công ty tư nhân chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh, khẳng định rằng ảnh vệ tinh chụp khu vực vào hạ tuần tháng 5 cho thấy dấu hiệu tăng cường lực lượng vũ trang bên phía Trung Quốc, với nhiều xe thiết giáp chở quân và pháo tự hành di chuyển lên vùng biên giới.

Giới lãnh đạo cao cấp Ấn -Trung vào thượng tuần tháng 6 đã đồng ý giải trừ quân bị và cùng rút quân ra khỏi vùng, nhưng lại tố cáo lẫn nhau là vẫn chuyển thiết bị đến khu vực, chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lâu dài. Trung Quốc còn tố cáo Ấn Độ xây dựng hạ tầng cơ sở như đường xá ở vùng mà Trung Quốc cho là của họ.

Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về sự cố

Điểm đáng ghi nhận là thông tin của tình báo Mỹ về sự cố ở Galwan hoàn toàn trái ngược với lời kể chính thức của Trung Quốc.

Theo tình báo Mỹ, hôm 15/06, một sĩ quan cao cấp Ấn Độ cùng 2 hạ sĩ quan không mang vũ khí đã đi đến vùng này để gặp một phái đoàn tương tự của Trung Quốc bàn về việc rút quân. Thế nhưng họ đã bị hàng chục lính Trung Quốc trang bị gậy sắt hàn đinh, dùi cui, tấn công. Lính Ấn Độ đã can thiệp và một cuộc hỗn chiến nổ ra, khiến cho nhiều người chết vì những vũ khí tự tạo thô sơ, bị ném đá hay bị trượt vách núi.

Phía Trung Quốc không công bố nhiều chi tiết ngay sau vụ đụng độ. Trước phản ứng phẫn nộ kéo dài từ phía các quan chức và công luận Ấn Độ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hôm 19/06 đã quy trách nhiệm cho Ấn Độ về “một loạt hành vi khiêu khích, đi vào vùng đất của Trung Quốc”, để tấn công thô bạo vào sĩ quan và binh lính Trung Quốc đến nơi để thương lượng.

Dẫu sao thì đối với giới quan sát, rõ ràng là sự cố không mang lại kết quả như Bắc Kinh mong muốn, và truyền thông nhà nước Trung Quốc, thoạt đầu lớn tiếng chỉ trích Ấn Độ, quy trách nhiệm cho New Delhi trong vụ tấn công, nhưng sau đó đã hạ giọng, và đã xóa sự kiện ra khỏi các bản tin của họ.

Theo tình báo Mỹ, chính tướng Triệu Tông Kỳ đã tổ chức lễ tưởng niệm những người lính Trung Quốc bị chết trong cuộc tấn công. Thông thường, đây là dịp để guồng máy tuyên truyền lao vào, thế nhưng lần này, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã thẳng tay dẹp bỏ những thông tin và nhận định trên mạng xã hội về sự cố, trong đó có những thông điệp dùng đến các từ ngữ như “thất bại”, “nỗi nhục”, khi nói đến việc lính Trung Quốc thiệt mạng hay bị thương.

Theo RFI