Ý chí Hồ Chí Minh không thể dừng ở những khẩu hiệu

Nghe đọc bài

Những yêu cầu của người dân với đảng chính trị

(VNTB) – Nếu đảng đã phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân như nhấn mạnh ở điều 4.2 của Hiến pháp, thì có lẽ đảng cần lắng nghe những ý kiến của người dân đang công khai trên các diễn đàn mạng xã hội.

(Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-yeu-cau-cua-nguoi-dan-voi-dang-chinh-tri/)

Lược ghi ý kiến của giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Ngô Huy Cương:

“Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông Hồ Chí Minh, khác với mọi diễn văn từ trước tới nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh tới tư tưởng dân chủ nhân dân của Hồ Chí Minh và ý chí Hồ Chí Minh. Theo đó, ý chí Hồ Chí Minh phản ánh ý chí của hầu hết các bậc cách mạng tiền bối và của dân tộc Việt Nam.

Trong “Yêu cầu ca”, ông Hồ Chí Minh đã thể hiện cụ thể bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hòa bình họp ở Versailles (Pháp) năm 1919 rằng: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tư tưởng chính trị – pháp lý này cho tới nay vẫn còn là một vấn đề nóng hổi trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam.

Chúng ta đã đi qua ba phần tư thế kỷ dựng nước và non nửa thế kỷ thống nhất đất nước. Hiến pháp đã được xây dựng và thay đổi khá nhiều. Song thần linh pháp quyền vẫn còn là vấn đề được nhắc tới nhiều trên giấy.

Không phải tất cả, nhưng một bộ phận nào đó đã không thấu hiểu được ý chí Hồ Chí Minh và ý chí của dân tộc Việt Nam, nên đã để xảy ra sự ầm ĩ rất đáng tiếc về vụ giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Nếu ai đó biết tôn trọng nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy dân chủ, tuân thủ Hiến pháp và bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì kẻ thù nào có thể lợi dụng để xuyên tạc sự nghiệp cách mạng?”

Lời bàn của biên tập viên: Ông Hồ Chí Minh đã xác nhận về sức mạnh của “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” ở thế chế chính trị.

Trong tôn giáo, thần linh là một thực thể tự nhiên hoặc siêu nhiên, được xem là thiêng liêng và quyền năng. Một số tôn giáo có một vị thần tối cao (độc thần), trong khi những tôn giáo khác có nhiều vị thần của các bậc khác nhau (đa thần). Theo quan niệm của tôn giáo, thần linh được cho là có khả năng làm phép lạ siêu nhiên, ảnh hưởng và điều khiển các khía cạnh khác nhau của đời sống con người.

Một số vị thần đã trao tặng luân lý và đạo đức cho con người, là các thẩm phán tối cao về giá trị con người và hành vi… Thần linh là đối tượng để cho con người thờ phụng và tuân theo.

Thần linh, theo cách hiểu phổ biến, là một đối tượng có sức mạnh vô cùng, tồn tại để bảo vệ một/ một số những giá trị, quy chuẩn xã hội, đem lại cho một/ một số người niềm tin mang tính tuyệt đối, nếu ai đi ngược lại, phải bị trừng phạt.

Còn thần linh trong pháp quyền, không gì khác chính là luật tự nhiên. Chỉ có luật tự nhiên mới phản ánh được những quy luật, những mối quan hệ vốn có, nên mới có được sự linh thiêng như những vị thần.

Hồ Chí Minh muốn truyền tải và xây dựng trong bản “Yêu cầu ca” một hệ thống pháp luật ổn định, được các thành viên trong xã hội tôn trọng, được tự nguyện thực thi và tuân thủ, được coi là luật chơi công bằng cho các bên tham gia, nhưng cho đến ngày hôm nay dường như vẫn chưa thật sự hiện hữu.

Thần linh chỉ oai nghiêm khi đó là một vị thần công tâm, luật pháp ở Việt Nam đang được xây dựng và hoàn thiện cần khiến người dân tôn kính như một vị thần, nhưng mục tiêu đó sẽ không bao giờ đạt được khi vị thần ấy không những bị chi phối ở nhiều lĩnh vực, mà còn buộc phải phục tùng theo các định hướng của đảng chính trị.

Theo VNTB