Vũ Đức Đam lại nói nhảm về giàu nghèo

Vũ Đức Đam
Nghe đọc bài

“Khi một quan chức cầm đầu Chính phủ Việt Nam nhắn nhủ rằng Việt Nam không thể nghèo và không cần quá giàu thì nó xác nhận một điều rằng Việt Nam hiện đang rất nghèo và Chính phủ này đang thất bại trong việc tạo ra một đất nước giàu mạnh,” nhà quan sát cho hay.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu. Ông Vũ Đức Đam phát biểu như vừa nêu khi công bố Nghị quyết về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 hôm 6/12/2022.

Theo lời ông Đam, các chuyên gia nước ngoài rất đồng tình với định hướng là Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, hạnh phúc và có nhiều tình yêu thương giữa con người.

Một người dân Sài Gòn không muốn nêu tên, nói:

“Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua.”

Cũng hôm 6/12, dù nói Việt Nam không cần giàu, nhưng ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi nói về y tế cho rằng, quan trọng là tỉ lệ bác sĩ chứ không phải là tỉ lệ giường bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng. Thế giới có một bác sĩ thì có 3 – 4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 người. Ông Đam nói: “nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo” và mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, 1/10 các nước đang phát triển, trung bình cao như Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết:

“Việt Nam cũng như mọi nước không nên sống trong thế giới nghèo, phải phát triển như thế nào để dân giàu nước mạnh, chứ không thể nào chấp nhận một đất nước nghèo nàn được. Trong khi mình trở thành một nước mạnh, người dân sẽ giàu cùng, chứ không có vấn đề quá giàu hoặc một thành phần quá nghèo so với thành phần khác. Vì vậy cái chữ “giàu” là cần phải có, càng đồng đều càng tốt.”

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng

Tuy rằng theo ông Thành, vẫn sẽ có một thành phần tích tụ tiền để kinh doanh, nhưng nói chung ông Thành cho rằng Việt Nam không thể nào chấp nhận một nước nghèo được. Liên quan ý kiến cho rằng Việt Nam nên giữ mức nghèo để được ưu đãi, ông Thành nói:

“Không thể nào chấp nhận một quốc gia nghèo, để đi xin ưu đãi. Những vấn đề giúp đỡ của nước ngoài là bất đắc dĩ, trong tình trạng nào đó mình cần có sự giúp đỡ của bạn bè nước ngoài, nhưng đó là trong thời kỳ mình đang gặp khó khăn. Mình phải vươn lên để mình tự túc, vươn lên để mình có thể giúp cho những nước khác nữa, chứ không phải nghèo để mà đi tiếp nhận giúp đỡ của nước ngoài.”

Trở lại với phát biểu của Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 7/12 cho rằng, khi một quan chức cầm đầu Chính phủ Việt Nam nhắn nhủ rằng Việt Nam không thể nghèo và không cần quá giàu thì nó xác nhận một điều rằng Việt Nam hiện đang rất nghèo và Chính phủ này đang thất bại trong việc tạo ra một đất nước giàu mạnh. Ông Vũ nói tiếp:

“Trở thành một quốc gia văn minh, giàu mạnh, hùng cường, và nơi mà người dân sống hạnh phúc là ước mơ của tất cả người dân Việt Nam, và cả những người dân của thế giới. Đó là lý do mà người Việt ngày nay vẫn tìm cách di cư ra các nước phát triển, giàu mạnh, để tìm kiếm cơ hội; thậm chí nhiều người tìm mọi cách ra đi bất chấp nhiều rủi ro.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một quốc gia giàu chưa chắc làm cho tất cả mọi người dân đều hạnh phúc. Nhưng, một quốc gia nghèo sẽ làm cho hầu như tất cả mọi người dân mất hạnh phúc. Nhiệm vụ của một người lãnh đạo quốc gia do đó phải là làm cho quốc gia giàu mạnh, hùng cường. Ông Vũ nói tiếp về hiện trạng Việt Nam:

“Việt Nam hiện nay vẫn là một quốc gia rất nghèo theo tiêu chuẩn của thế giới. Người dân ở các vùng xa đang thiếu đói những ngày giáp Tết. Trẻ em không được đến trường. Trường học tạm bợ. Giáo dục không đạt chất lượng. Thiếu giáo sư có trình độ. Công nhân lương không đủ sống, thất nghiệp tràn lan. Bệnh viện không đủ giường. Thiếu thuốc men. Thiếu bác sĩ. Trình độ khoa học kỹ thuật không có. Lao động không có tay nghề. Doanh nghiệp thiếu công nghệ. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào gia công. Ngân sách nghèo nàn. Đường xá, cầu cống, hệ thống hạ tầng…đều cần phải cải thiện rất nhiều để đạt tới mức trung bình của thế giới hầu đáp ứng nhu cầu cơ bản của Việt Nam.”

(Theo RFA)

Bài liên quan

Vụ Việt Á: Bắt tạm giam trợ lý Vũ Đức Đam