Công luận nói gì vụ Võ Văn Thưởng mất ghế?

Võ Văn Thưởng yểu mệnh với ghế chủ tịch nước
Nghe đọc bài

Sau khi báo đảng hôm 20/3 xác nhận tin Võ Văn Thưởng mất ghế chủ tịch nước vì “có vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu”, công luận lập tức bày tỏ sự ngán ngẩm về công tác cán bộ của đảng.

Không ngoài dự đoán, Võ Văn Thưởng bị đảng cho nghỉ chỉ sau một năm ngồi ghế chủ tịch nước vì dính vụ án liên quan tập đoàn Phúc Sơn của Hậu “Pháo”.

Tuy vậy, báo đảng được lệnh không đề cập chi tiết “nhạy cảm” này.

Việc Thưởng “tự nguyện xin nghỉ” được hiểu là ông này được đảng đảm báo tránh cho nguy cơ dính vòng lao lý, vì dù gì cũng thuộc hàng “tứ trụ”.

Luật sư Lê Quốc Quân nhận xét: “Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng “thôi” chức. Nhân dân bị “phế truất” nguyên thủ của mình, chỉ tò mò đứng nhìn.”

Bác sĩ Võ Xuân Sơn ở TP.HCM bình luận: “Một đất nước mà chỉ trong khoảng 14 tháng đã có hai ông chủ tịch nước liên tiếp phải từ chức vì sai phạm. Có nên gọi đất nước ấy là ổn định về chính trị hay không? Và, những người đưa các ông ấy lên chức vụ đó có phải chịu trách nhiệm gì không?”

Reuters hôm 20/3 bình luận: “Những thay đổi lãnh đạo lớn ở nhà nước độc đảng gần đây đều có liên quan đến chiến dịch đốt lò, chống hối lộ trên diện rộng, nhằm mục đích dập tắt nạn tham nhũng tràn lan, nhưng cũng bị các nhà chỉ trích nghi ngờ là một công cụ cho đấu đá chính trị, thanh trừng phe phái.

Thưởng, 53 tuổi, mất tích cả tuần sau khi Bộ Công an Việt Nam thông báo bắt giữ cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, vì cáo buộc tham nhũng. Ông này từng là thuộc cấp khi Thưởng còn là bí thư tỉnh ở đó.”

Thưởng được nhiều người coi là thân cận với Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất Việt Nam, người bày ra cái gọi là “đốt lò”.

Năm ngoái, Nguyễn Xuân Phúc mất ghế vì đảng đổ lỗi cho ông về “những vi phạm, sai trái” của các quan chức dưới quyền, phải mất một tháng rưỡi để Thưởng được cho làm người kế nhiệm.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể được giải quyết tốt đẹp bằng cuộc bổ nhiệm chủ tịch nước nhanh chóng, nhưng vẫn tồn tại rủi ro là việc liên tục thay đổi lãnh đạo cấp cao sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh ở một quốc gia phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.