VN: Hoãn lần 2 phiên xử đại án cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Nghe đọc bài

Truyền thông VN cho hay sáng nay 18/1, TAND TP Hà Nội hoãn phiên tòa xét xử ông Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm lần hai (sau 11 ngày) do vắng 3 bị cáo và nhiều người liên quan.

Trong số những người vắng mặt có ông Nguyễn Hữu Tín – cựu phó chủ tịch UBND TP HCM, do bệnh nặng.

Phiên toà dự kiến diễn ra từ 18/1 đến 26/1 do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ toạ, xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.

Sáng nay trong phần thủ tục, thư ký tòa án thông báo vắng mặt bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Sau khoảng một tiếng hội ý, HĐXX nói phiên toà mở lần đầu ngày 7/1 đã hoãn do vắng mặt bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, báo VN đưa tin.

Ngày 8/1, HĐXX tống đạt quyết định triệu tập hợp lệ cho những người này cùng các giám định viên. Tuy nhiên, phiên tòa hôm nay vẫn vắng mặt bị cáo Tín và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Chủ tọa vì thế thông báo: “Một số luật sư đề nghị hoãn phiên toà, triệu tập đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến đối chất; VKS cũng đề nghị hoãn nên HĐXX quyết định hoãn phiên toà. Thời gian mở lại sẽ thông báo sau”.

Nhiều người ‘sức khỏe không tốt’

Truyền thông Việt Nam đưa tin cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang trong tình trạng sức khỏe kém. Cụ thể, tại tòa án sáng nay, ông Hoàng được chở trên chiếc xe ô tô và xin tòa cho phép được ngồi khi trả lời xét xử:

“Sức khoẻ của tôi không được tốt, đang phải dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên tôi vẫn thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm của một bị cáo theo quy định pháp luật. Tôi xin HĐXX cho phép được ngồi khi trả lời xét xử, được dùng thuốc và nếu có nhu cầu cá nhân thì được ra ngoài”,

Không chỉ có ông Hoàng, ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN&MT TP HCM cũng xin phép được ngồi trong thời gian HĐXX làm việc do bị mắc bệnh gout.

Ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM vắng mặt trong phiên tòa sáng nay do bệnh viện thông báo không thể di chuyển xa.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang thông tin rằng ông Tín bị suy tim, không thể di chuyển được. Bệnh viện đã kết luận về vấn đề này. Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc khi hoãn phiên toà bởi có mở lại vào lần sau thân chủ của bà vẫn xin xét xử vắng mặt.

Cáo trạng nói gì?

Theo cáo trạng, ông Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác có nhiều sai phạm dẫn đến quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.000 mét vuông thuộc doanh nghiệp nhà nước rơi vào tay tư nhân.

Ông Hoàng cùng Phan Chí Dũng (63 tuổi, cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.

8 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229.

Cáo trạng chỉ ra ông Hoàng có vai trò chính, trực tiếp gây thiệt hại. Từ năm 2008 đến khi nhà nước thoái vốn vào năm 2017, vốn nhà nước tại Sabeco chiếm 89,59% nên đây được coi là “doanh nghiệp nhà nước”. Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco, Vụ Công nghiệp nhẹ theo dõi, quản lý chính.

Tuy nhiên khi triển khai thực hiện dự án tại khu đất trên, Sabeco không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.200 tỉ đồng nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ.

Theo đó, Sabeco quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng 6.080 m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng chỉ đạo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đang bị truy nã) cùng Vụ trưởng Phan Chí Dũng ký các văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Vnexpress trích dẫn cáo trạng ghi rằng: sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

VKS xác định, các bị can đã dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó chuyển nhượng vốn không minh bạch, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Bà Hồ Thị Kim Thoa hiện ra sao?

Hôm 16/1/2021, Facebook Lê Nguyễn Hương Trà, với khoảng hơn 550.000 người theo dõi, loan tin: “Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ công thương đã có mặt tại Việt Nam trên chuyến bay từ Paris ngày 16/1. Sau khi chịu cách ly 14 ngày, sẽ đưa ra xét xử trong các vụ án liên quan đến Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng”.

Sáng 17/1, trả lời báo Dân Việt về một số thông tin những ngày qua cho rằng Bộ Công an đã dẫn độ bà Thoa về Việt Nam, tướng Tô Ân Xô nói: “Hiện chưa có thông tin gì về việc này”.

Hiện bài viết của Lê Nguyễn Hương Trà về việc bà Thoa bị di lý về Việt Nam đã không còn trên trang Facebook.

Hồi 7/12/2020, đại tá Chữ Văn Dũng – phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông tin Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành quyết định truy nã quốc tế đối với bà Thoa.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/12/2020, Tướng Tô Ân Xô khẳng định cơ quan công an “chưa biết bà Thoa trốn ở đâu, biết thì đã bắt rồi”.

Trước đó, 17/11/2020, theo điều tra riêng của BBC, bà Kim Thoa đang sống tại Paris, thủ đô nước Pháp từ lúc bị Việt Nam phát lệnh khởi tố.

Dựa theo các nguồn tin riêng của BBC, dường như vào thời điểm này bà Kim Thoa đang đi du lịch Pháp, trong đó có ghé trung tâm thiền tập Làng Mai, Pháp.

Sau khi nghe tin khởi tố, bà Thoa đã ở lại Pháp bằng visa du lịch.

Giữa Việt Nam và Pháp đã có hiệp định dẫn độ nên nhiều luồng ý kiến cho rằng việc bắt bà Thoa sẽ dễ dàng hơn so với vụ Trịnh Xuân Thanh ở Đức hồi năm 2017.

Dư luận về việc bắt bà Thoa khá đa chiều. Có người cho rằng Pháp hay những quốc gia khác không phải là nơi chứa chấp cho quan tham Việt Nam lánh nạn nên cần phải bắt bà Thoa về quy án. Số khác cho rằng việc bắt giữ bà Thoa cần đúng luật pháp quốc tế chứ không nên ‘bắt cóc’, nhất là khi giữa Pháp và Việt Nam có hiệp định dẫn độ.

Theo BBC