Tượng đài Búa liềm trên Chim Lạc ở Thanh Hóa: lý do không nên xây!

Nghe đọc bài

Tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh nghèo ở Việt Nam đang đầu tư đến 50 tỷ đồng, để xây dựng Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, với Tượng đài Búa liềm, Chim Lạc và Trống đồng… chồng lên nhau.

Người dân Thanh Hóa nói gì về việc dùng 50 tỷ đồng tiền thuế của dân để xây tượng đài? Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1/6, Một người dân ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nói:

“Theo tôi, nên dùng đồng tiền đó chi cho những việc khác như xây trường học hay giúp các gia đình nghèo chẳng hạn, nhiều hộ dân còn nghèo lắm… ”

Nguồn thu của huyện Yên Trường thì đang ở mức độ khiêm tốn, cho nên nếu dùng kinh phí lớn trong điều kiện hiện nay, khi đất nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, thì chưa phù hợp.
-Lê Văn Cuông

Một người dân ở địa phương khác tại tỉnh Thanh Hóa, cho biết ý kiến của mình:

“Đó là việc không hợp lý, lãng phí và không cần thiết. Thật ra thì tiền cần làm gì thì có lẽ người dân và chính quyền sẽ biết rõ hơn rất là nhiều.”

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 6 năm 2020, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhận định về việc xây dựng tượng đài lịch sử cách mạng Yên Trường tại địa phương mình:

“Thực tế nhu cầu của địa phương cũng muốn có biểu tượng để ghi dấu ấn thời kỳ cách mạng. Hiện nay cả xã và huyện đều được công nhận nông thôi mới, cho nên ở đây cũng là nguyện vọng của địa phương, cũng như là tạo dấu ấn lịch sử cho các thế hệ sau học tập và noi theo.”

Theo ông Lê Văn Cuông đây cũng là một nguyện vọng chính đáng, tuy nhiên ông nói tiếp:

“Trong tình hình điều kiện kinh tế của đất nước nói chung và địa phương còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân chưa được giàu có. Mặt khác, nguồn thu của huyện Yên Trường thì đang ở mức độ khiêm tốn, cho nên nếu dùng kinh phí lớn trong điều kiện hiện nay, khi đất nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, thì chưa phù hợp.”

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu của dự án Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, nằm trên địa bàn xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, là nhằm lưu giữ, bảo tồn, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Biểu tượng chính di tích lịch sử cách mạng Yên Trường là Tượng đài Búa liềm, Chim Lạc và Trống đồng… chồng lên nhau. Tượng đài được xây dựng bằng xi măng.

Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Courtesy congluan

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khi trả lời báo chí trong nước cho biết, đã có hẳn một cuộc thi sáng tác biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường… và biểu tượng này đã được trưng bày để “lấy ý kiến nhân dân đánh giá”… cũng có các ý kiến khen ngợi với những “khí phách”, “thế bứt phá”… Tuy nhiên khi biểu tượng được công khai trên mạng, thì nhiều người đã công khai phê phán trên mạng xã hội như: ‘Búa liềm đã ngồi lên chim Lạc và trống đồng Đông Sơn, ngồi lên biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt, khiến chúng trở nên bị méo mó’… Hay ‘Chim Lạc tồn tại 4.000 năm, để đến một ngày cõng búa và liềm bay cao, vươn xa’…

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 6 năm 2020 liên lạc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà văn hóa, ngôn ngữ và được ông nhận định như sau:

“Tượng nói theo ngôn ngữ của tượng, người xem có thể phiên dịch theo cách hiểu của họ. Ví dụ nhiều cái phiên dịch mà chắc chắc, trái với chủ quan của người tạc tượng và người phê duyệt tượng, đó là ‘búa liềm’ tượng trưng cho đảng cộng sản, đâm toạc ‘Chim Lạc’ tượng trưng cho văn hóa, văn hiến của Việt Nam. Mà nếu hiểu như thế thì người tạc tượng và người phê duyệt tượng họ không thể hình dung được như vậy. Nhưng về mặt khách quan, cũng không ai có thể cấm họ nghĩ như vậy khi nhìn vào tượng.”

Mặt khác, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nếu hiểu theo cách của các vị tạc tượng và người phê duyệt tượng, thì thực ra cũng không ổn, ông nói tiếp:

“Khi cho con Chim Lạc chở mấy ông Mác Lenin, thì gánh đó chắc là quá nặng. Ý các vị là đảng từ dân tộc mà lên, phục vụ dân tộc, các vị giải thích kiểu đó. Nhưng mà nếu hiểu Chim Lạc chở búa liềm, thì ai mà có một chút lương năng đều biết rằng ngay cả nói như thế cũng không được.”

Nếu hiểu Chim Lạc chở búa liềm, thì ai mà có một chút lương năng đều biết rằng ngay cả nói như thế cũng không được.
PGS. TS. Hoàng Dũng

Dự án xây dựng tượng đài ở Di tích Yên Trường, nằm trên địa bàn xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa không phải là công trình đầu tiên bị lên án tại Việt Nam. Trước đây, thành phố Hải Phòng cũng bị phê phán về hình tượng hai con rồng 60 tỷ ở thành phố này. Hay dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ Đồng ở Sơn La cũng được báo chí trong nước cho rằng đây là sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân.

Ngoài ra còn trường hợp tỉnh Đak Nông, một tỉnh nghèo vùng Tây nguyên Việt Nam đã đầu tư đến 146 tỷ đồng vào dự án mang tên “Tượng Đài N’Trang Long Và Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc 1912-1936, để tưởng nhớ N’Trang Long, một anh hùng dân tộc hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Lê Văn Cuông, nhận định thêm:

“Hiện tại theo tôi nghĩ, không những ở Yên Trường, mà bất kỳ địa phương nào dùng số tiền quá lớn để xây tượng đài hoặc các khu văn hóa tưởng niệm, mặc dù cần thiết nhưng trong điều kiện hiện nay là chưa nên, mà có thể chờ khi nào có điều kiện hãy thực hiện. Chứ bây giờ mà thực hiện thì rất phản cảm và cũng tạo dư luận người dân chưa đồng tình.”

Phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long khi trả lời RFA cho rằng, hiện tượng phổ biến là xây những tượng đài hàng chục tỷ, cuối cùng là quá khả năng ngân sách. Đáng lý tiền đó phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo thì sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tượng này theo ông cần phải chấn chỉnh, vì những điều này hoàn toàn không hợp với lòng dân.

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết đang đầu tư gần 50 tỷ đồng để tôn tạo một trong 3 nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh. Đó là Di tích Yên Trường, nằm trên địa bàn xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ tháng 7 năm 2017. Đây là công trình do Ủy ban Nhân dân huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư với 100% vốn ngân sách.

Throng khi đó theo báo cáo ngày 17 tháng 4 năm 2020, của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh này có 112.307 người nghèo, 426.854 người thuộc hộ cận nghèo. Sau rà soát lại vào ngày 7/5/2020, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn có 475.703 người thuộc hai nhóm vừa nêu.

Theo RFA