Tô Lâm bá chủ, muốn thay thẻ căn cước lúc nào mà không được

Tô Lâm
Nghe đọc bài

Tiến Sĩ Mạc Văn Trang viết: “Thẻ căn cước là sự kiện vừa bi, vừa hài. Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày ‘cách mạng’ đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật ‘đèn cù,’ chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu.”

Người dân ở Việt Nam sẽ lại phải thay thẻ căn cước mới, kể từ lần gần nhất vào năm 2021. Cũng là lần thứ bảy, mẫu giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam bị thay đổi và người dân phải đi làm mới trong vòng 10 năm vừa qua.

Việc thay đổi xoành xoạch giấy tờ tùy thân của công dân không chỉ làm dư luận xã hội phẫn nộ, mà kể cả truyền thông do nhà nước quản lý cũng bức xúc không kém. Báo Tiền Phong ngày 22 Tháng Mười, 2023 đưa tin với tiêu đề bằng câu hỏi “Đổi tên ‘Căn Cước Công Dân’ thành ‘Căn Cước’ có lợi gì cho người dân?”

Theo báo Tiền Phong, việc Bộ Công An cho rằng dự thảo Luật Căn Cước lược bỏ một số chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, giảm phức tạp trong thủ tục hành chính, và bảo đảm tính riêng tư, nhưng điều đó dư luận xã hội thấy không thuyết phục.

Theo giới quan sát, truyền thông nhà nước Việt Nam từng tiết lộ một thông tin đáng quan tâm, đó là, cho đến nay, đã có gần 80 triệu “Thẻ Căn Cước Công Dân” gắn chip được Bộ Công An cấp cho người dân.

Hơn nữa, không chỉ có thẻ căn cước công dân, mà kể cả các mẫu giấy tờ khác do Bộ Công An quản lý và ban hành như giấy phép lái xe, mẫu passport… cũng được sửa đổi liên tục trong thời gian ngắn, với nhiều lý do khác nhau.

Theo giới phân tích đưa ra nhận xét, mỗi phôi thẻ căn cước nếu bị tăng giá thêm 1,000 đồng, khoảng 4 cent, nếu nhân với 80 triệu phôi, sẽ là một số tiền không hề nhỏ. Điều đó khiến công luận nghi ngờ và đặt câu hỏi, có hay không việc trục lợi của nhóm lợi ích nằm trong Bộ Công An khi liên tục đổi căn cước công dân?

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết, trong quá trình thảo luận về Dự Luật Căn Cước mới đây, có một số đại biểu Quốc Hội nêu ý kiến rằng, việc thay đổi giấy tờ tùy thân quá nhiều như hiện nay sẽ tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Khi giải trình trước Quốc Hội, Đại Tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, biện minh rằng “…việc đổi mẫu thẻ căn cước là việc phù hợp, không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội cũng như tâm lý người dân.”

Phát biểu của ông Tô Lâm ngay lập tức bị ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, phản bác trên báo Tuổi Trẻ ngày 29 Tháng Mười Một, 2023, cho rằng “…khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh.”

Bình luận về nguyên nhân con đường đi lòng vòng của thẻ căn cước công dân, dư luận xã hội đánh giá, nếu nhìn lại hành trình “vòng vèo” của hệ thống giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, sau 78 năm cầm quyền của đảng CSVN, người ta mới thấy rõ thế nào là “đỉnh cao trí tuệ.”

Ông Ngô Anh Tuấn, một luật sư nhân quyền, nhận xét: “Mỗi lãnh đạo lên thì đều có sự thay đổi và muốn mang dấu ấn gì đấy trong nhiệm kỳ. Thế nhưng, thay vì dấu ấn tốt thì để lại tì vết. Tôi nghĩ họ đi lòng vòng do nhận thức từ lãnh đạo và cả từ ban tư vấn nữa.”

Ý kiến vừa kể phù hợp với đánh giá của công luận khi cho rằng đây là một việc nhỏ, nhưng đã bộc lộ một thứ tư duy thiển cận, thiếu tầm nhìn và không ổn định của bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Cũng như thế, một sự vô trách nhiệm, không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách và sự phiền phức cho người dân.

Tiến Sĩ Mạc Văn Trang từ Sài Gòn viết trên Facebook: “Thẻ căn cước là sự kiện vừa bi, vừa hài. Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày ‘cách mạng’ đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật ‘đèn cù,’ chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu.”

(Theo Người Việt)