Thành phố chết

Thành phố không bao giờ ngủ đã trở thành một thị trấn ma.

Nghe đọc bài

Khi tôi thức dậy vào buổi sáng và mở cửa sổ, một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi rằng những gì tôi nhìn thấy bên ngoài hoàn toàn không có thực mà là một cơn ác mộng. Vài giây sau, khi tôi nhìn thấy thành phố của mình — vắng vẻ, bị bỏ hoang, không thể nhận ra — cơn ác mộng là hiện thực. Thành phố không bao giờ ngủ đã trở thành một thị trấn ma.

Tôi nghe thấy tiếng còi inh ỏi trên đường phố. Tôi đọc báo viết về những người chết, nhiều người chết ở nhà và không có bất kỳ sự chăm sóc hoặc hỗ trợ y tế nào. Hàng nghìn người đang chạy trốn khỏi thành phố từng sôi động nhất Việt Nam. Hàng triệu người mất việc làm và hiện đang phải vật lộn để có những bữa ăn từng bữa.

Trước đại dịch, ở thành phố đông dân nhất Việt Nam, bạn có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn bất cứ lúc nào. Quán ăn, nhà hàng, quán bar và quán nhậu ở khắp mọi nơi. Món ăn và đồ uống từ khắp nơi trên thế giới đều có: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Trung Đông, Mỹ Latinh. Mì bún các loại, bánh mì, đồ ăn nhẹ, trà sữa, cà phê chỉ ngay đó. Đường phố đông đúc người, và người nước ngoài thường giật mình và sợ hãi kẹt xe dù đó là chuyện hàng ngày đối với chúng tôi. Người ta ăn uống, hát hò, cười đùa và làm việc suốt ngày đêm. Hàng xóm tôi thổi saxophone đến tiếng người nói chuyện len vào khắp căn hộ chung cư của tôi. Hòn ngọc viễn đông không bao giờ ngủ. Nay đó chỉ là một hoài niệm. Tiếng ồn và đám đông mà chúng tôi thỉnh thoảng phàn nàn đã biến mất và sự im lặng ngự trị khi Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất gần đây.

Đã một năm qua từ khi tôi từ Châu Âu về. Khi đó châu Âu là điểm nóng của đại dịch. Sau tám tháng sống trong cảnh cách ly và nhốt ở Tây Ban Nha, được trở lại Việt Nam là điều tôi hằng mong mỏi. Mọi thứ vẫn giống như khi tôi rời khỏi đất nước hai năm trước đó. Mọi thứ dường như bình thường. Đôi khi chúng tôi nghe nói về một người nào đó bị nhiễm vi-rút, điều này đã trở thành tin tức quốc gia. Họ đánh số cho mọi bệnh nhân; bệnh nhân số 2.000, chẳng hạn. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi bar và quán nhậu, tụ tập đông người, tiệc tùng, đi làm, như thể Covid-19 không phải là điều đáng sợ. Nhiều người trong chúng tôi nghĩ rằng covid không bao giờ thực sự có thể ảnh hưởng chúng tôi như những nơi khác trên thế giới. Chúng tôi đã sống trong một thiên đường không Covid. Hàng nghìn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài lũ lượt về quê.

Khi Covid-19 cuối cùng xuất hiện, dịch bùng phát nặng. Như tôi viết, số ca nhiễm trên toàn quốc là 336.654. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số đó là 171.801. Cả nước đã có 7.540 người chết, TP Hồ Chí Minh có 5.939 người tử vong. Một số ý kiến cho rằng con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người chết tại nhà sẽ không được tính là tử vong do Covid-19. Hàng trăm người chết mỗi ngày, họ không được nhập viện vì không có đủ giường. Hệ thống y tế đang sụp đổ. Nhân viên y tế kiệt sức. Những người quanh tôi đang tuyệt vọng, bực tức, chán nản, vô vọng và tức giận.

Việt Nam, một cường quốc nông nghiệp xuất khẩu sản phẩm đến mọi nơi trên thế giới, đang phải vất vả nuôi sống người dân của mình. Chính phủ đã cố trấn an người dân bằng cách lặp đi lặp lại rằng nguồn cung cấp thực phẩm được đảm bảo, không ai bị đói. Điều này không hẳn đúng. Trong các siêu thị tôi đã ghé thăm, nhiều kệ hàng trống trơn. Có lần tôi phải đi ba siêu thị để tìm mua trứng. Ở thủ đô miền Nam, mua một quả trứng còn khó.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy sự bất tài và vô nhân đạo của nhiều quan chức chính phủ. Khi số ca nhiễm bắt đầu tăng vào tháng 5, chính quyền địa phương muốn áp dụng Chỉ thị 16, lệnh cấm nghiêm ngặt nhất nhằm hạn chế tất cả các hoạt động không thiết yếu, nhưng chính quyền trung ương ở Hà Nội không cho cấm. Mục đích? Vì Thành phố Hồ Chí Minh là trụ cột của đất nước. Thành phố và khu vực đô thị lân cận như các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, chiếm gần 40% tổng sản phẩm trong nước. Hà Nội không muốn đánh đổi số tiền đó, ngay cả khi họ sẽ (và đã) khiến hàng triệu sinh mạng gặp nguy cơ. Bây giờ họ đang thất bại cả hai, tính mạng lẫn tiền bạc.

Hơn nữa, cách thức chính quyền trung ương và địa phương đang xử lý khủng hoảng cho thấy một khuôn mẫu thiếu nhất quán và ngu ngốc. Ví dụ, nhà chức trách coi băng vệ sinh là không phải hàng thiết yếu và do đó cấm vận chuyển giữa các huyện; người cao tuổi có được hẹn tiêm chủng không thể đến vì công an không muốn để cho người ta đi ra ngoài. Người dân bị phạt nếu đi siêu thị mà không có ‘thẻ’ đi chợ, vậy mà ở quận tôi sống, cán bộ không phát thẻ cho chúng tôi.

Chính phủ cho biết đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho cái mà họ gọi là ‘hỗ trợ khẩn cấp’, nhằm giúp đỡ những người lao động có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, từ những gì tôi quan sát được, rất ít người có thể tiếp cận hỗ trợ hoặc do số lượng thủ tục giấy tờ liên quan hoặc hệ thống quan liêu nổi tiếng là kém hiệu quả. Người phụ nữ lao công đã từng giúp chúng tôi bốn giờ một tuần nói với chúng tôi qua điện thoại rằng cô đã nộp đơn xin hỗ trợ hai lần vì không thể đi làm, nhưng cô không nhận được bất cứ thứ gì. Cô không phải là trường hợp ngoại lệ; hàng triệu người đang ở trong cùng tình trạng.

Khi đang viết điều này, tôi đang sống trong chấn thương và trầm cảm một lần nữa. Những cảm giác hụt hẫng và tuyệt vọng đó lại quay trở lại khi tôi nhìn thấy hàng ngàn người, bị mất việc làm và thu nhập, đang rời thành phố Hồ Chí Minh trở về quê, để có nơi ăn ở, và nương tựa trong vòng tay của gia đình và họ hàng.

Đồng thời, tôi cũng nghe về nhiều người trẻ tuổi nhận được các mũi tiêm vắc-xin mà họ không được hưởng. Những người trẻ tuổi đó cũng khá giả. Họ có thể ở nhà thoải mái và có thể làm việc tại nhà. Tôi đã đọc chuyện một phụ nữ trẻ, giàu có và khỏe mạnh lại được mũi tiêm Pfizer chỉ vì cha cô là giáo sư tại Học viện Quân y. Rõ ràng, nhân viên y tế đã tiêm cho cô đã bị trừng kỷ luật vì tuân theo lệnh của cấp trên. Một người bạn làm báo ở Hà Nội cho tôi biết một số trung tâm tiêm chủng đang bán ‘riêng’ một liều vắc xin Moderna với giá 5 triệu đồng (khoảng 220 USD). Tôi có một người bạn, một chủ nhà cho thuê giàu có đã được tiêm ngùa chỉ vì cha cô từng làm việc ở thành uỷ.

Trong khi đó, nhiều tình nguyện viên tuyến đầu không được tiêm chủng. Người dân đang chết, người bệnh không được điều trị thích hợp: người gặp khó khăn mà không nhận được sự giúp đỡ mà chính phủ đã hứa; người tay làm hàm nhai không thể sống sót nếu không đi làm. Những câu chuyện đau lòng hiện diện ở khắp mọi nơi.

Trong thời điểm ảm đạm này, trong khi chính phủ thất bại, tôi tìm thấy hy vọng vào những gì những người bình thường xung quanh tôi đang làm để giúp đỡ lẫn nhau. Người ta chia sẻ thức ăn trong tủ lạnh với những người có nhu cầu, hoặc cung cấp tiền, thuốc men, máy tạo oxy, hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Những người khá giả đang làm những điều tuyệt vời để giúp đỡ người khác, chẳng hạn như đưa người ốm đến bệnh viện khi đường dây nóng quá tải. Họ giúp cung cấp nước và thuốc cũng như các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng và rau. Người dân chia sẻ trên mạng những mẹo nhỏ giúp bệnh nhân nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà. Họ quan tâm đến đồng hương và phụ nữ và làm tất cả để giúp đỡ nhau. Đó là thứ mang lại cho tôi và nhiều người khác hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Người Việt có câu: Quan nhất thời, dân vạn đại.

Theo VNTB