Phim về Việt cộng sắp chiếu trên HBO

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt (bìa trái) và các diễn viên trong phim
Nghe đọc bài

Về các nhân vật của mình trong truyện, nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Tôi đọc càng nhiều càng tốt về sự sụp đổ của Sài Gòn, tử thủ, giới nghiêm, những gì xảy ra trong các căn cứ, ai đã ở trong đó… Từ đó, tôi ‘xây dựng’ các nhân vật của mình dựa theo những gì tôi đọc. Khi xem phim, khán giả sẽ nhận thấy nhiều sự quen thuộc trong đó.”

HBO vừa giới thiệu loạt phim “The Sympathizer” (“Cảm Tình Viên”) dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Thanh Việt tại rạp AMC Orange 30, Orange, tối Thứ Sáu, 5 Tháng Tư.

“The Sympathizer” là tác phẩm của một tác giả người Mỹ gốc Việt lần đầu tiên được giải thưởng Pulitzer năm 2026.

Vì là giới thiệu, nên HBO chỉ chiếu tập 1 trong một loạt phim dài bảy tập.

Trong lúc chờ đợi chiếu phim, nhà văn Nguyễn Thanh Việt, giáo sư đại học USC, chia sẻ lý do ông viết “The Sympathizer” với báo giới.

“Đây là một cuốn tiểu thuyết gián điệp tôi viết với một sự say mê mãnh liệt,” nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer nói.

“Tất nhiên, câu chuyện giả tưởng này có nhiều yếu tố chính trị rất quen thuộc với người Việt Nam trong thế kỷ 20. Tiểu thuyết này không chỉ về chính trị thế giới mà còn về chiến tranh Việt Nam, về người tị nạn, về lịch sử. Tuy nhiên, trong loạt phim này, đạo diễn chú trọng nhiều về nhân vật làm gián điệp nhị trùng trong một thời điểm lịch sử của Việt Nam và của người tị nạn Việt Nam.”

Ông cho biết ông viết theo cách nhìn của ông về cuộc chiến, về những gì xảy ra, qua một lăng kính khác.

“Tôi không có ý định thay đổi quan điểm của mọi người về cuộc chiến,” nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói. “Tôi chỉ muốn nói lên sự thật, và sự thật thường làm người ta khó chịu. Và có thể, sau khi xem phim hoặc đọc truyện ‘The Sympathizer’ một số người có thay đổi cái nhìn về cuộc chiến.”

Về yếu tố người tị nạn Việt Nam trong tác phẩm cũng như trong phim, ông Việt cho biết: “Tôi tôn trọng những gì cha mẹ tôi đã trải qua, nhưng tôi cũng muốn trình bày quan điểm của mình. ‘The Sympathizer’ là câu chuyện của tôi, không phải của tất cả mọi người.”

Ông giải thích tiếp: “Tôi quan tâm đến lịch sử và sự cân bằng. Tôi biết lịch sử có ảnh hưởng cha mẹ tôi. Tôi cảm nhận được lịch sử của người tị nạn Việt Nam.”

Về các nhân vật của mình trong truyện, nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Tôi đọc càng nhiều càng tốt về sự sụp đổ của Sài Gòn, tử thủ, giới nghiêm, những gì xảy ra trong các căn cứ, ai đã ở trong đó… Từ đó, tôi ‘xây dựng’ các nhân vật của mình dựa theo những gì tôi đọc. Khi xem phim, khán giả sẽ nhận thấy nhiều sự quen thuộc trong đó.”

Khi được hỏi chủ đề nào là khó nhất khi “tưởng tượng” ra các nhân vật, nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Chương cuối cùng là khó nhất, vì tôi viết về các nhân vật bị đưa vào các trại ‘học tập cải tạo.’”

Vị giáo sư đại học USC cho biết ông rất vinh dự có mặt tại buổi giới thiệu phim “The Sympathizer” ở Orange County, nơi có Little Saigon, được coi là thủ phủ của người tị nạn Việt Nam.

“Hơn nữa, đây là phim có tới 90% tài tử là người gốc Việt, có nói tiếng Việt, và dàn tài tử này rất tuyệt vời,” nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói thêm.

Cũng có mặt tại buổi giới thiệu phim, nữ tài tử Kiều Chinh (vai “Mẹ Thiếu Tá”) cho biết: “Tôi cảm thấy rất phấn khích khi ‘The Sympathizer’ được giới thiệu ở Orange County. Tôi phấn khích vì đây là lần đầu tiên phim có cốt truyện của một tác giả gốc Việt được Hollywood thực hiện, được chiếu nhiều tập trên HBO.”

“Dàn tài tử đa số gốc Việt khắp nơi trên thế giới, từ Úc, Canada, Việt Nam, và Mỹ. Và tôi cảm thấy rất thích thú khi đọc kịch bản của phim,” nữ tài tử điện ảnh kỳ cựu gốc Việt nói.

Bà cho biết được tham gia “The Sympathizer” rất ngẫu nhiên.

“Có một lần tham dự một sự kiện, Việt nhận ra tôi, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ gặp hoặc nói chuyện với nhau. Rồi Việt nói: ‘Hy vọng truyện của cháu được làm thành phim, cháu sẽ mời cô.’ Và bây giờ lời nói đó đã thành sự thật,” tài tử Kiều Chinh nói.

Về cốt truyện “The Sympathizer,” bà Kiều Chinh cho biết nó “rất gần với cuộc đời của bà.”
“‘The Sympathizer’ đúng là tiểu thuyết giả tưởng, không hẳn là phim tài liệu,” tài tử Kiều Chinh nói. “Tuy vậy, cốt truyện rất gần với cuộc đời tôi vì tôi là người Việt Nam.”

Bà cho biết khi sang Thái Lan đóng phim này, bà chứng kiến cảnh phim trường “sao mà giống Sài Gòn quá.”

“Có lúc tôi tưởng những khẩu súng là súng thật, cảnh Sài Gòn di tản được dựng lại, rất siêu thực, giống như những gì tôi trải qua. Trong vai ‘Mẹ Thiếu Tá,’ một bà mẹ sang Mỹ sống, nhớ quê hương, cảm thấy cô đơn…, tôi thấy rất giống người Việt tị nạn chúng ta,” tài tử Kiều Chinh chia sẻ thêm.

Bà kết luận: “Đối với tôi, đây là một phim hay, người Việt Nam đang chờ đợi lắm. Còn ý kiến thì có thể khác nhau.”

Nữ tài tử Kỳ Duyên, người đóng vai phu nhân của ông tướng trong phim, hết lời khen ngợi thành phần thực hiện “The Sympathizer” và “rất hạnh phúc” được tham gia diễn xuất.

“Được đóng một phần trong phim, đối với Kỳ Duyên, là hạnh phúc lắm rồi. Đây cũng là cơ hội để mình học hỏi thêm về điện ảnh,” nữ MC duyên dáng và nổi tiếng của Trung Tâm Thúy Nga nói.

Cô thêm: “Khi thực hiện phim, HBO giúp tối đa. Họ làm mọi thứ, còn mình chỉ đóng phim thôi. Khi tham gia phim, tôi mới nhận ra hơn hẳn tất cả những gì mình suy nghĩ, mình tưởng tượng.”

Về lý do được chọn, nữ tài tử cho biết: “Tôi cũng phải tham gia thử nhiều lần mới được chọn.”

“Truyện phim cũng rất gần gũi với mình, vì Kỳ Duyên lớn lên qua cuộc chiến Việt Nam và sống ở Little Saigon,” nữ tài tử nói. “Hy vọng mọi người xem để Hollywood và HBO thấy người Việt Nam mình hưởng ứng như thế nào, để thấy tài tử Việt mình tài năng không kém các nước khác, để họ có thể làm thêm phim sau này.”

(Theo Người Việt)