Nữ giáo sư gốc Việt ‘giải mã’ tổn thương tâm lý chiến tranh

Tiến Sĩ Oanh Meyer (phải) và mẹ, bà Anh Lê
Nghe đọc bài

Bà Oanh Meyer, giáo sư gốc Việt tại đại học UC Davis, California, vừa được tài trợ $7.2 triệu để nghiên cứu ảnh hưởng của cuộc chiến Việt Nam đối với tâm thần của một số người trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Bà Oanh Meyer, hiện là giáo sư tại Khoa Thần Kinh Học, đại học UC Davis, sẽ thực hiện đề tài này qua các nghiên cứu tại những nơi có đông người Việt sinh sống tại Mỹ.

Trong hồi ức từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành theo đuổi ngành tâm lý học, rồi trở thành giáo sư đại học, bà Oanh luôn phải sống trong những ám ảnh chiến tranh từ những câu chuyện kể mãi không có hồi kết của mẹ.

Phải đến khi tận mắt chứng kiến những gì mẹ mình trải qua, bà Oanh mới thấy tầm quan trọng của vấn đề này.

“Đây là họ hàng đến thăm, chứ không phải Việt cộng”

Mẹ của nữ giáo sư là cụ bà Anh Lê, một người Việt tị nạn đến Mỹ năm 1975. Sau khi bước qua tuổi 76, bất kể ngày đêm, bà cụ thường hoảng sợ, kéo kín rèm, rồi núp sau cánh cửa khóa chặt như đang trốn dưới hầm vì sợ bị bom rơi đạn trúng.

Phải đến khi bà Oanh liên tục ôm mẹ vào lòng và giải thích: “Đây là con rể, kia là họ hàng đến thăm, chứ không phải Việt cộng đang trà trộn vào bắt giết gia đình mình,…”

Phải trải qua nhiều lần nhìn thấy mẹ hoảng loạn như vậy, bà Oanh mới nhận ra, chính người mẹ ruột của mình, chứ không phải ai khác, đang có những hoang tưởng và sa sút trí tuệ từ những chấn thương sâu nặng có thể do chiến tranh gây ra.

Không lâu sau đó, theo lời kể của tiến sĩ, đến dì, rồi cậu của bà đều có những biểu hiện tương tự giống mẹ.

Bà biết đã đến lúc mình phải thực hiện nghiên cứu về những tổn thương tâm lý khủng khiếp do chiến tranh để lại đối với người Việt xung quanh mình, trong cộng đồng mình, rồi lan ra xa hơn, là người Việt tị nạn trên đất Mỹ.

Làm sao họ có thể sống với những kinh nghiệm đau đớn này trong một thời gian dài. Càng “đi sâu,” bà Oanh càng tìm thấy có sự liên quan rất rõ giữa tổn thương chiến tranh và rối loạn tâm lý đến chứng sa sút trí tuệ đối với người cao tuổi.

Giáo sư Oanh Meyer (trái)

Cho tới nay, bà Oanh đã thực hiện hơn 10 công trình khoa học khác nhau về chấn thương tâm lý đăng trên các tạp chí chuyên ngành tại Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 2011- 2015.

Năm 2021 đánh dấu bước đột phá trong sự nghiệp nghiên cứu tâm lý của Tiến Sĩ Oanh Meyer. Khi phải đến lần thứ ba, và với sự cạnh tranh vô cùng gắt gao, dự án của bà mới được Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Sức Khỏe Người Cao Niên (NIA) chuẩn thuận và cấp kinh phí “khổng lồ” lên đến $7.2 triệu cho một công trình kéo dài trong năm năm.

Đây là dự án nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay trong cộng đồng người Việt, rơi vào thời điểm vô cùng quan trọng bởi vì những người rời khỏi Sài Gòn vào thập niên 1970 đến Mỹ tị nạn đều đã cao tuổi và bắt đầu có biểu hiện sa sút trí tuệ rõ rệt từ những chấn thương trầm trọng trong quá khứ.

Bên cạnh đó, dù nghiên cứu của bà Oanh tập trung vào cộng đồng người Việt tị nạn, nhưng kết quả từ công trình này sẽ có nhiều đóng góp quan trọng trong bối cảnh nước Mỹ vừa nhận 75,000 người tị nạn Afghanistan, hay có thể sắp tới sẽ là dòng người tị nạn Ukraine…

Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Oanh Meyer sẽ khảo sát và theo dõi hơn 570 người Việt cao tuổi tại miền Bắc California, nơi có cộng đồng người Việt lớn mạnh và các nhóm hoạt động xã hội kết nối chặt chẽ và tích cực. Bà Oanh lạc quan cho rằng sự cộng hưởng và hỗ trợ từ cộng đồng sẽ giúp bà thành công.

Nhóm của tiến sĩ bắt tay vào việc phỏng vấn, với sự hợp tác của các tổ chức phi lợi nhuận như Asian Resources, Inc. và Mạng Lưới Hỗ Trợ Trẻ Em Quốc Tế để kêu gọi tình nguyện viên. Bà Oanh cũng hy vọng dự án này sẽ thu hút được người từ Nam California và Houston tham gia. Hai nơi này có những cộng đồng gốc Việt rất lớn mạnh.

(Theo Người Việt)