Khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về nợ

Khủng hoảng tín dụng ảnh hưởng đến thương phiếu và trái phiếu đô thị.

Trụ sở chính của Evergrande (Trái) được nhìn thấy ở Thâm Quyến, đông nam Trung Quốc hôm 26/09/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)
Nghe đọc bài

Các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc hiện đang lan rộng sang các khu vực khác của nền kinh tế, với các khoản nợ thương phiếu và nợ của chính quyền địa phương có thể trở thành cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Sàn giao dịch thương mại Thượng Hải báo cáo rằng các công ty được kiểm soát bởi các nhà phát triển địa ốc—Shimao Group Holdings, Kaisa Group Holdings, và Greenland Group – đã “liên tục quá hạn” đối với các khoản thanh toán thương phiếu. Thương phiếu là một công cụ nợ ngắn hạn, thường được các công ty ở Trung Quốc sử dụng.

Số lượng các công ty vi phạm pháp luật ở Trung Quốc đã tăng 26% trong tháng 12 (2021). Tổng cộng, 484 công ty đã có ít nhất ba lần quá hạn thanh toán thương phiếu trong quý cuối cùng của năm 2021.

Các vụ vỡ nợ tăng mạnh cho thấy sự thiếu thanh khoản trên thị trường. Danh sách các vụ vỡ nợ hiện đã mở rộng từ các công ty địa ốc sang các công ty cung cấp vật liệu và xây dựng, cho thấy cuộc khủng hoảng địa ốc đang bắt đầu kéo theo các loại hình công ty khác.

Ngân hàng Minsheng, được coi là ngân hàng hoạt động kém nhất thế giới, là một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất đối với đại công ty địa ốc đang gặp khó khăn, Evergrande. Sự đột phá của ngân hàng vào lĩnh vực tài chính địa ốc đã đặt ngân hàng này vào phía bất lợi của cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay của Trung Quốc. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 31% trong năm qua, khiến ngân hàng này trở thành có hoạt động tồi tệ nhất trong Chỉ số Ngân hàng Thế giới của Bloomberg. Bloomberg cho rằng những tai ương của Minsheng là kết quả của việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đàn áp lĩnh vực địa ốc, vốn chiếm khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc.

Giá nhà mới đang giảm và doanh số bán đất được dự đoán sẽ giảm 20% vào năm 2022. Trong khi đó, các chính quyền địa phương vốn thường kiếm được thu nhập đáng kể từ việc bán đất, lại đang phải gánh chịu hậu quả. Những sự sụt giảm này là do sự kết hợp giữa tình trạng không có tín dụng và sự mất niềm tin vào lĩnh vực này. Ngoài ra, với việc giá giảm, và số nhà được bán ít hơn, doanh thu của các chủ đầu tư ngày càng giảm.

Chính sách “ba lằn ranh đỏ” của ông Tập đang làm giảm dòng chảy tín dụng giá rẻ vào lĩnh vực địa ốc, ngăn các công ty vay thêm hoặc thả nổi trái phiếu mới. Do đó, các nhà phát triển đang cạn kiệt tiền mặt để đáp ứng các khoản thanh toán nghĩa vụ nợ.

Evergrande thông báo hôm 10/01 rằng họ đã từ bỏ tòa nhà trụ sở chính ở Thâm Quyến, chuyển đến một nơi ít tốn kém hơn, để cắt giảm chi phí. Các trái chủ trong nước cũng đã chấp thuận việc chậm thanh toán.

Với toàn bộ lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc đang gặp khó khăn, các chủ đầu tư khác đang cố gắng đàm phán lại và tránh vỡ nợ. Tập đoàn Shimao sẽ tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các chủ nợ hôm 17/01, để thảo luận về việc thay đổi các điều khoản trả nợ. Tuần trước, công ty cho biết họ đã không thanh toán được khoản vay ủy thác 101 triệu USD. Xếp hạng trái phiếu của công ty này đã bị S&P hạ cấp xuống trạng thái rủi ro cao. S&P gọi tính thanh khoản của Shimao là “yếu”, dự báo rằng tình hình sẽ xấu đi. Tình hình này nhấn mạnh sự thiếu hụt thanh khoản trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc.

Tương tự, một nhà phát triển địa ốc khác là Yuzhou Group đang thiếu tiền mặt để trả lãi. Công ty gần đây đã công bố một đề nghị cuộc trao đổi, cho việc đáo hạn 582 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2022 của mình. Công ty cũng sẽ thảo luận về việc tái cấu trúc thêm 4.5 tỷ USD trái phiếu, để tránh vỡ nợ.

Vào thời điểm đóng cửa thị trường, trong tuần đầu tiên của tháng Giêng (2022), trái phiếu của các nhà phát triển địa ốc của Trung Quốc nhìn chung đã giảm. Sunac và Agile lần lượt giảm 22.6% và 13.3%; trong khi Shimao mất 9.4% giá trị. Trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của Yuzhou giảm mạnh 21.8%, dẫn đến việc giao dịch tạm thời bị tạm dừng.

Reuters dự đoán rằng thiệt hại tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ Trung Quốc sẽ là lĩnh vực trái phiếu chính quyền địa phương. Một tài liệu từ nội các nhà nước đã cho rằng nên cho phép sự sụp đổ của các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Vào năm 2020, các LGFV, được các chính quyền địa phương sử dụng để giữ nợ ngoài bảng cân đối kế toán của họ, đã đạt tổng cộng 8 ngàn tỷ USD, bằng hơn một nửa GDP của Trung Quốc. Các LGFV hiện là các nhà phát hành trái phiếu ra ngoại quốc lớn nhất, 31 tỷ USD trong số đó sẽ đến hạn vào năm 2022.

Các công ty bên ngoài ngành địa ốc, cũng như các ngân hàng và chính phủ địa phương, hiện đang cảm thấy khó khăn, cho thấy rằng sự suy thoái chung và khủng hoảng tiền mặt đang lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Bloomberg cho rằng đây sẽ là một lời cảnh báo đối với các công ty ngoại quốc đầu tư vào Trung Quốc. Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2022 xuống 4.3%.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)

Theo Epoch Times