Chàng trai trẻ Việt dùng hài độc thoại nói chuyện chính trị Mỹ

Nghe đọc bài

Du học tại Mỹ từ năm 2013 và theo chuyên ngành khoa học chính trị, Nguyễn Tri Nguyên Lộc – được biết đến là Leo Nguyễn thường diễn hài độc thoại vào buổi tối ở những quán cà phê về những vấn đề xã hội.

Trong clip hài mới nhất, mặc bộ áo vest xanh, cầm theo micro và dựng tripod đứng trước tòa nhà Quốc hội ở Washington DC – Leo trông như một phóng viên thực thụ của hãng thông tấn lớn đang đưa tin về bầu cử Mỹ.

Phỏng theo cung cách của Johnathan Pie, Leo tường thuật:

“Tôi là phóng viên Kiên Bành của đài Quê-tê-quê đang tác nghiệp tại thủ đô Bông Thịnh Đốn- Huê Kì. 5 năm trước khi đài cử tôi qua đây, tôi tưởng mình sẽ đưa tin về một nền dân chủ nhưng tôi lầm rồi, sau 44 đời tổng thống tự dưng có ông số 45 không công nhận kết quả bầu cử… Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử có một chính quyền tại vị cố gắng đảo chính một chính quyền thắng cử còn chưa nhậm chức,”

“Mà nói tới chuyện đảo chính một chính quyền thắng cử chắc CIA sẽ nhột, thấy quen quen. Để nhắc cho nhớ Iran 1953, Guatemala 1954, Brazil 1964 và Chile 1973. Bây giờ những nước này sẽ nhìn vô Mỹ và nói hồi xưa đi phá người ta bây giờ bật chế độ tự hủy. Đúng là 70 năm quả báo tới vẫn chưa muộn…”

“Mỹ vẫn đang trong đại dịch, 250.000 người Mỹ đã bỏ mạng, Covid-19 thành Covid-21 tới nơi rồi, chắc phải gọi điện nhờ chị Thủy Tiên chèo xuồng qua cứu trợ. Nghĩ lại 5 năm trước tuổi trẻ lỡ dại qua đây giờ dính cứng ngắt không đi đâu được nữa.”, – ” Leo trong vai phóng viên Kiên Bành tường thuật.

Nguyên Lộc đứng trước tòa nhà Quốc hội đóng vai phóng viên thường trú của đài Quê-tê-quê
Chụp lại hình ảnh,Leo đứng trước tòa nhà Quốc hội đóng vai phóng viên thường trú của đài Quê-tê-quê tại Hoa Kỳ

Video chỉ hơn 5 phút, một mình Leo đóng hai vai – một phóng viên ở hiện trường và biên tập viên tại trường quay để gói gọn những biến động đang âm ỉ trong lòng nước Mỹ sau cuộc bầu cử. Chính sự hài hước, sáng tạo và hoạt ngôn của mình mà các video của Leo với những chủ đề tương tự nhận được sự đón nhận của bạn bè, khán giả và kéo họ gần hơn với những vấn đề xã hội.

“Những video đặc biệt đả động đến vấn đề nặng ký như chính trị, xã hội hay chính sách thường sẽ rất kén người coi hơn video thuần giải trí. Nhưng dù chỉ có 10 người xem mà sau đó, họ đọng lại được điều gì, thì với tôi vẫn có giá trị hơn 1000 người xem rồi lướt qua. Tôi rất muốn làm về những chủ đề nhức nhối để mọi người cùng chú ý và thảo luận. Ngoài ra vì học về chính trị, nên học gì thì tôi làm đó”, Leo Nguyễn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

‘Cười là ngôn ngữ quốc tế’

Học môn khoa học chính trị tại trường Augustana College, Rock Island Illinois, Leo bắt đầu thử sức mình qua các cuộc thi Hài độc thoại khi còn ở đại học: “Đối với sinh viên thì giá trị giải thưởng 500 đôla là rất hấp hẫn. Lúc đầu chỉ đơn giản là lên nói chơi để có tiền và tôi được giải nhì 300 đôla, hai năm cuối đại học ôm trọn giải nhất tổng cộng 1.000 đôla luôn.”

Nội dung của những buổi diễn đầu tiên tại trường đại học là châm biếm giáo sư và người Mỹ nói chung: “Ví dụ tôi nói về việc thầy cô tự viết sách xong tự bắt học sinh mua hay việc nhà sách của trường bóc lột.”, Leo kể lại.

Hưng Over – một người xem chương trình của Leo chia sẻ trên kênh ‘Ở ngoài hộp’ rằng: “Leo hay bắt đầu bằng một câu đùa từ góc nhìn của một người nhập cư thấy những thứ hàng ngày ở Mỹ mà một người Mỹ không nhận ra nên nó tạo được tiếng cười vì mọi người thấy đúng với trải nghiệm của bản thân.

Trên thế giới, hài độc thoại là thể loại rất phổ biến và được ưa chuộng nhưng tại Việt Nam thì chưa quá phát triển. Những cá nhân có thể kể đến là Dưa Leo, Uy Lê (trưởng nhóm Sài Gòn tếu), Tùng BT… nhưng các màn trình diễn cũng chỉ bó hẹp tại một vài quán cà phê hoặc các sự kiện.

Ngoài yếu tố hài hước, duyên dáng, người diễn còn phải kì hoạt ngôn, khả năng ứng biến cao vì gần như họ phải thoại liên tục trong khoảng thời gian từ 10-15 phút. Chưa kể, với những đối tượng khán giả khác nhau, phải thay đổi những yếu tố gây cười phù hợp với văn hóa, lối sống ở nơi đó. Khi đứng trên sân khấu vào những phút đầu tiên mà không nhận được sự hưởng ứng, tràn cười của khán giả, người diễn sẽ rất dễ bị rối, dẫn đến chán nản.

Nguyên Lộc
Chụp lại hình ảnh,Nguyên Lộc – Leo Nguyễn trình diễn hài độc thoại

Leo kể: “Có hai lần tôi diễn mà không ai cười dù cũng cùng một màn trình diễn trước đó khá thành công. Hôm đó về tôi tự vấn bản thân và định bỏ luôn không làm nữa. Sau đó, tôi rút ra phải soạn nội dung cho từng nơi vì mỗi chỗ mọi người bật cười về những điều khác nhau: diễn ở Washington khác bài với ở California. Chuyện như vậy ai cũng trải qua mới giỏi được vì cần phải cân bằng giữa cái mình thấy mắc cười với cái thực sự khiến khán giả cười.”

“Lên sân khấu diễn 5 phút còn hơn làm kiểm tra 5 môn trong một ngày dù đã chuẩn bị rất kĩ. Ở những nơi sân khấu mở, mình có 5-7 phút để diễn nhưng nhiều khi phải đợi tới 2-3 tiếng. Còn show mà người ta mời thì có khoảng 10 phút nhưng cũng phải đợi tầm 1 tiếng. Làm lâu năm mới dễ có show. Nói chung là cực.”

Tuy nhiều hồi hộp và căng thẳng mỗi lần diễn nhưng là công việc yêu thích nên Leo tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi đứng trên sân khấu.

Theo Leo, lợi thế của bộ môn này là sự thô, người diễn không có gì khác ngoài nhạc nền và giọng nói của mình nên đi rất thẳng vào vấn đề. Hạn chế là vì độc diễn nên quên lời cũng không ai nhắc và không có những màn tung hứng cùng bạn diễn hay người diễn phải tự mình chủ động mọi thứ từ hình thể cho đến câu chuyện nên đây trở thành bộ môn không ‘dễ nuốt’.

Anh bạn thú nhận: “Cái khó khăn là ranh giới giữa vô duyên và hài hước rất “chua”, cực kỳ mỏng manh. Một câu chuyện mà chỉ cần đẩy quá chút là thành vô duyên nên phải thử kịch bản trước đó nhiều lần. Vì vậy những thứ tôi trình diễn, đem lên video là tinh túy lắm rồi.”

Xem hài hước là công cụ đắc lực để chuyển tải những thông điệp nặng ký theo hướng nhẹ nhàng. Leo bắt đầu nói về những câu chuyện như chính trị, xã hội trong các màn trình diễn của mình. Leo nói: “Nếu từ đầu mình nói những điều khô khan với giọng điệu giáo điều thì họ sẽ bỏ đi luôn, không thèm xem nữa. Còn khi mình nói mà người ta cười – tiếng cười đó cũng là một ngôn ngữ quốc tế dễ đi vào lòng người. Người ta cười rồi hiểu, cười ra rồi vỡ lẽ.”

‘Hài hóa’ chuyện chính trị

Ở Việt Nam, từng có nhiều ý kiến cho rằng việc tham gia các tổ chức chính trị, xã hội dường như không phải là “trận địa” dành cho người trẻ ở khu vực ngoài nhà nước.

Theo quan điểm của một người đã học và làm việc ở Mỹ gần 7 năm và hiện đang làm cho tổ chức về chính sách công, Leo nhìn nhận: “Tôi sẽ nói rằng giới trẻ VN không được tạo điều kiện để họ quan tâm tới vấn đề xã hội. Xã hội có nhiều vấn đề và trong đó có chuyện môi trường, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của cộng đồng LGBT,… hay những vấn đề như dịch Covid, biểu tình Hong Kong, bão lũ miền Trung và gần đây nhất là bầu cử Mỹ.”

“Nhưng họ chưa được tạo điều kiện để suy nghĩ hay thử thách về những thứ cao hơn một chút: về thể chế chính trị, tự do ngôn luận và việc giám sát chính quyền. Chỉ có thể nhờ vào sự phát triển của xã hội dân sự, các tổ chức phi lợi nhuận, giáo dục, thì từng bước giới trẻ sẽ có cơ hội được biết, và nhận thức xâu xa hơn rằng: quan tâm đến xã hội, không chỉ dừng ở mức cứu trợ.”

Từ khi dịch bệnh Covid bùng phát, Nguyên Lộc chuyển sang làm vlog và diễn hài qua Zoom
Chụp lại hình ảnh,Từ khi dịch bệnh Covid bùng phát, Nguyên Lộc chuyển sang làm vlog và diễn hài qua Zoom

Theo đuổi hai dòng chính là satire – tức trào phúng và dark comedy – tức hài sâu cay, Leo bắt đầu truyền tải những vấn đề tưởng chừng như phức tạp thành những câu chuyện sống động, gần gũi và cài cắm thêm những yếu tố gây cười để đi trình diễn ở quán bar, nhà hàng có các sân khấu mở và các chương trình diễn hài vào cuối tuần.

Cậu nói: “Tôi được học: “All politics is local” – chính trị là điều rất bình thường, nó là khu phố, ngay trước cửa nhà mình chứ không phải ở thủ đô xa xôi. Vì sao không quan tâm chính trị khi đó là thứ chi phối đời sống, tương lai chúng ta? Mỗi người có mức độ quan tâm đến các vấn đề khác nhau, sự thờ ơ chính trị cũng là quyền tự do của con người và tôi tôn trọng. Nhưng tôi muốn cho mọi người hiểu chính trị qua sự hài hước, cắt nhỏ vấn đề ra theo kiểu cắn một phát là ăn được luôn.”

“Vì học về chính trị xã, tôi cũng đau đáu, muốn đem những vấn đề thượng tầng, phức tạp của chính trị cắt ra thành từng lát. Giống bạn nấu một bữa ăn, thêm gia vị từ sự hài hước để họ hiểu chính trị không phải vấn đề gì quá cao siêu. Nếu làm hay thì cũng như đồ ăn ngon, mọi người sẽ dễ tiêu hóa.”, Leo chia sẻ thêm.

Khi dịch covid bùng phát ở Mỹ, Lộc không đi diễn nữa mà chuyển qua làm video xoay các vấn đề nổi cộm ở Mỹ như chủng tộc, chính sách cho du học sinh và gần đây nhất là bầu cử Mỹ.

Trong đó, video về vấn đề Black Lives Matter thu hút khá nhiều quan tâm và cũng là sản phẩm khiến vlogger này mất nhiều thời gian nhất. Bắt đầu bằng câu hò giọng cổ “lạy ông đi qua lạy bà đi lại…” khá quen thuộc với người Việt Nam để chỉ những phận người ở đáy xã hội. Leo cũng đưa vào video những chính sách, lịch sử liên quan đến người da màu:

“Khi tiếp cận vấn đề, tôi không đưa ra quan điểm cá nhân mà là những gì có tính hệ thống. Như Black Lives Matter là những chính sách về nhà đất, về giáo dục, an ninh xã hội. Những người khác có thể kết luận vội vã rằng người da màu lười biếng, không chịu lao động, chỉ ăn bám vào an sinh xã hội. Đó là câu trả lời rất thông dụng cho những người lười. Tôi muốn mang đến một góc nhìn khác mang tính lịch sử và chính sách.”

Nhiều người bình luận trong video về chủ đề BLM rằng nhờ đó họ biết thêm về Redlining – một chính sách không cho cư dân ở một số khu vực nhất định tiếp cận với các khoản vay và dịch vụ tài chính dựa trên chủng tộc hoặc sắc tộc.

Khoa Lê, kỹ sư sinh hóa hiện đang sống tại California chia sẻ với BBC:

“Những video của Leo nói đến vấn đề có tính thời sự cao bằng sự hài hước, có duyên, gây cười một cách bình dân, không gượng ép và khá gần gũi với giới trẻ. Leo mô phỏng hình thức diễn hài late night của những cây hài chính trị nổi tiếng thế giới như Jon Stewart, John Oliver hay Jonathan Pie, nhưng đồng thời vẫn giữ đc phong cách riêng của bản thân và những trò đùa đậm chất Việt Nam. Tôi tâm đắc nhất video về việc ông Trump định trục xuất du học sinh của Leo, vì tôi vốn từng là một du học sinh, và tôi cảm nhận đc cảm xúc của Leo, cũng là một du học sinh, trong video ấy.”

Video về chủ đề "Black lives matter" của Leo được nhiều người hưởng ứng.
Chụp lại hình ảnh,Video về chủ đề “Black lives matter” của Leo được nhiều người hưởng ứng vì cung cấp góc nhìn về phân biệt chủng tộc ở Mỹ từ chính sách và lịch sử

Vì đề cập đến những vấn đề vốn được cho là nhạy cảm như chủng tộc, chính trị nên Leo cũng gặp những phản ứng trái chiều. Nhưng chia sẻ với BBC, Leo thẳng thắn nói:

“Tôi không sợ mọi người chửi rủa vì đó là một phần của cuộc chơi, muốn nổi tiếng thì phải chịu được dư luận. Sơn Tùng MTP nói, nếu muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được thứ không ai chịu được. Hơn nữa ở Mỹ, những vấn đề tưởng là nhạy cảm thực ra không phải điều cấm kỵ. Quan trọng nhất là mình được nói lên những điều mình quan tâm.”

Thụ hưởng cả hai nền giáo dục Việt Nam và Mỹ, Nguyên Lộc chia sẻ rằng đó là lợi thế giúp anh có nhiều sự thấu hiểu, trải nghiệm hơn khi tiếp cận một vấn đề. “Ở Việt Nam, tôi học được sự siêng năng, chịu đựng còn ở Mỹ coi trọng sự sáng tạo, phản biện. Tôi dự tính sẽ tiếp tục cho ra đời thêm nhiều sản phẩm nữa, đặc biệt là vấn đề dân thiểu số kiểu mẫu (model minority) của người châu Á.”

“Đối tượng tôi muốn hướng đến là người Việt Nam, người Mỹ gốc Việt nhưng đối tượng tiếp nhận sự hài hước là bất kỳ ai.”, Leo bộc bạch.

Theo BBC