Bầu cử tổng thống Mỹ : Ba mươi chưa phải là Tết ?

Nghe đọc bài

Những người ủng hộ tổng thống Donald Trump tập hợp trước trụ sở hạt Maricopa (Phoenix), nơi việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục, ngày 09/11/2020. © AP Photo/Ross D. Franklin

Trong bài viết mang tựa đề « Khi cánh tả Dân Chủ phản đối kết quả bầu cử », Gilles-William Goldnadel, một luật sư Pháp theo xu hướng bảo thủ, nhắc lại, phe Dân Chủ cũng đã từng chống lại kết quả bầu cử, đìều mà hiện nay họ đang đả kích ông Donald Trump. Tác giả cho biết mỗi lần truyền thông “cánh tả” rao giảng đạo đức, ông không tránh khỏi hoài nghi.

Hãng tin AP hôm nay 10/11/2020 ghi nhận đảng Cộng Hòa ủng hộ tổng thống Donald Trump trong nỗ lực chống lại kết quả bầu cử hôm 03/11.

Bộ trưởng Tư Pháp William Bar cho phép mở điều tra về cáo buộc gian lận bầu cử. Những tên tuổi lớn trong đảng như lãnh đạo phe đa số ở Thượng Viện Mitch McConnell đã lên tiếng ủng hộ ông Trump khiếu kiện. Rất ít người trong đảng công nhận ông Joe Biden chiến thắng, hoặc chỉ trích việc tổng thống sa thải bộ trưởng Quốc Phòng Mask Ester.

Hãng tin Mỹ cũng như hầu hết các cơ quan truyền thông khác của Hoa Kỳ đều phê phán việc ông Donald Trump không chấp nhận kết quả khít khao và có một số hiện tượng nghi vấn. Sau khi truyền thông loan tải ông Joe Biden « đắc cử », một số nguyên thủ các nước cũng đã nhanh chóng lên tiếng chúc mừng ông Joe Biden, nhưng trên mạng xã hội chứ không phải là điện văn chính thức.

Trái với mọi dự đoán, Donald Trump là ứng cử viên Cộng Hòa giành được nhiều phiếu bầu nhất trong lịch sử với gần 71 triệu phiếu. Những người ủng hộ ông Donald Trump, vốn rất đông đảo, cho rằng việc truyền thông nhanh nhẩu và ồ ạt coi ông Biden như tân tổng thống là nhằm đặt mọi người trước « việc đã rồi », áp đảo tinh thần của ông Trump cũng như các « fan » của ông.

Tiêu chuẩn kép của truyền thông “thiên tả”

Trong bài viết mang tựa đề « Khi cánh tả Dân Chủ phản đối kết quả bầu cử » đăng trên Le Figaro ngày 09/11/2020, luật sư Gilles-William Goldnadel lấy làm tiếc rằng các nhà đạo đức cánh tả « có trí nhớ quá ngắn ». Theo nhà bình luận, phe Dân Chủ cũng đã từng chống lại kết quả bầu cử, đìều mà hiện nay họ đang đả kích ông Donald Trump.

Tác giả cho biết mỗi lần truyền thông cánh tả rao giảng đạo đức, khoác lên chiếc áo choàng sự thật để cất lên những bài ca cũ, ông không tránh khỏi hoài nghi. Ông viết : « Cách đây 100 năm, họ đã ca ngợi chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi. Cách đây 30 năm, nhập cư là cơ hội cho nước Pháp của tôi. Cách đây một tháng, Donald Trump sẽ tan tành như xác pháo ! ».

Goldnadel chỉ ra « tiêu chuẩn kép » có lợi cho cánh tả trong cuộc bầu cử này, một lần nữa lại được tiêu chuẩn hóa. Truyền thông cánh tả tỏ ra phẫn nộ vì tổng thống mãn nhiệm chưa chi đã tuyên bố chiến thắng, trong khi phải chờ kết quả phiếu bầu qua thư.

Thái độ này là hợp lý nếu bốn năm trước đó, và là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một đám đông khổng lồ được báo chí ca tụng, không đến biểu tình chống lại sự chính danh của một tổng thống – đã chính thức đắc cử – mà cánh tả thường phẫn nộ lại không tỏ ra phẫn nộ.

Từ hơn một tháng qua, ông Trump vẫn nói rằng các cuộc thăm dò luôn khẳng định đối thủ sẽ bỏ xa ông, là « nhảm nhí ».

Những gì « tổng thống dối trá » nói, hóa ra là thật. Hoặc là những người được thăm dò không dám nói thật ý định bỏ phiếu vì báo chí luôn nói rằng bầu cho ông Trump là đáng xấu hổ. Hoặc là thăm dò bị bóp méo, hoặc những người thăm dò bất tài. Tuy nhiên, điều này không quan trọng, vấn đề là chắc chắn những kết quả thăm dò « vớ vẩn » này đã có tác động tiêu cực. Không thể biết được có bao nhiêu cử tri đã thất vọng không đi bầu, bao nhiêu người còn do dự đã đi bỏ phiếu để còn nước còn tát.

Cũng từ hơn một tháng qua, vị tổng thống luôn bị báo chí gắn nhãn dối trá, không ngừng nói với những ai muốn và không muốn nghe ông, rằng việc bầu qua thư rất dễ gian lận. Việc cử tri Dân Chủ thích bỏ phiếu qua bưu điện trong thời kỳ dịch bệnh, không có nghĩa là ông Trump sai. Trên mạng xã hội, đã có những thắc mắc vì sao người ta vẫn có thể đi ra ngoài mua sắm, ăn uống như bình thường mà lại không thể đi bỏ phiếu, làm kéo dài thời gian kiểm đếm, gây tranh cãi ?

Pháp không cho phép bỏ phiếu qua bưu điện

Luật sư Goldnadel nhắc lại, hồi năm 1975, nước Cộng hòa Pháp đã cấm bỏ phiếu qua thư. Tờ báo Le Monde số ra ngày 13/11/1975 viết : « Nhằm giảm gian lận bầu cử, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện đã bị hủy bỏ ». Chẳng lẽ bầu cử bằng thư tín ở Mỹ lại ít gian lận hơn ở Pháp ? Thế nên, trừ phi chấp nhận áp dụng tiêu chuẩn kép bất lợi cho tổng thống cánh hữu, căn cứ nào để nói ông Trump không có quyền nêu ra nghi vấn gian lận, đặc biệt trong bối cảnh một cuộc bầu cử gay cấn đến nỗi một số ít lá phiếu sẽ quyết định kết quả ?

Tuy vậy, chỉ với việc Donald Trump hoặc những người ủng hộ ông nêu lên những trục trặc hoặc gian lận phiếu, là đã bị lên án phản dân chủ, xấu chơi, hoặc tệ hơn nữa, là những kẻ theo thuyết âm mưu nguy hiểm cần nhốt ngay vào bệnh viện tâm thần.

Cần nhớ rằng, sau thất bại của bà Hillary Clinton, Le Monde ngày 25/11/2016 đã chạy tựa « Bầu cử Mỹ : Để hiểu những nghi ngờ về gian lận qua hệ thống điện tử ». Bài viết có chapeau như sau : « Theo nhiều luật sư và nhà khoa học, kết quả cuộc bầu cử tổng thống có thể bị tin tặc làm sai lạc. Họ kêu gọi Hillary Clinton khiếu nại ».

Tác giả Gilles-William Goldnadel nhắc lại đoạn đầu của  bài báo : « Phải chăng việc đắc cử đáng kinh ngạc của Donald Trump là do gian lận bằng máy móc điện tử ? Đó là giả thiết mà nhiều chuyên gia ở Hoa Kỳ đưa ra, trong đó có luật sư chuyên về luật bầu cử John Bonifaz và giáo sư tin học của trường đại học Michigan, John Alex Alderman.

Một bài báo của New York Magazine ngày 22/11 cho biết, những người thân cận của bà Hillary Clinton đã cảnh báo về khả năng gian lận tại các bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, mà rất muốn khiếu kiện để phản đối kết quả. Theo các nhà phân tích, tại Wisconsin, ứng cử viên đảng Dân Chủ đã có số phiếu tại các phòng phiếu dùng máy điện tử ít hơn 7% so với các phòng phiếu kiểm bằng tay… »

Luật sư Goldnadel đặt câu hỏi, như vậy phe ông Trump phản dân chủ, theo thuyết âm mưu hay cánh tả áp đặt tiêu chuẩn kép ? Đối với những người hoài nghi, ông giới thiệu cuốn sách « Sự sụp đổ của Nixon » của nhà sử học Georges Ayache, vừa được xuất bản cách đây vài ngày. Ở trang 159 và 160, có thể đọc thấy làm cách nào giới mafia ở Illinois đã tước đoạt của Nixon cuộc bầu cử, mang lại thắng lợi cho Kennedy.

Gian lận và sai sót khi bầu qua thư

Gần đây nhất, nhà báo Laure Mandeville trên Le Figaro ngày 08/11 nhắc lại vụ tranh chức thượng nghị sĩ Pennsylvania hồi năm 1994 giữa ứng cử viên Cộng Hòa Bruce Marks và ứng viên Dân Chủ William Stevenson. Tòa án đã hủy bỏ kết quả bầu cử vì gian lận quy mô. Thẩm phán kết luận phe Dân Chủ của ông Stevenson đã cướp đoạt hàng trăm phiếu của ông Marks, bằng cách cử các đảng viên trực tiếp đến nhà cử tri giúp điền vào phiếu bầu, một việc hoàn toàn bất hợp pháp.

Một chuyên gia nhận xét : « Cách ăn gian này chỉ liên quan đến vài trăm ngàn phiếu. Nhưng trong một cuộc bầu cử sát nút thì số cách biệt này là quan trọng, nên tôi hoàn toàn hiểu được việc khiếu nại của tổng thống ».

Tờ báo thiên tả Libération trong mục kiểm tra tin giả ngày 06/11 cũng đã xác nhận thông tin có phiếu bầu đã được gởi đến William Bradley, một cư dân ở Michigan qua đời từ lâu mà nếu còn sống đã được 118 tuổi. Luật sư Goldnadel không tin đây là trường hợp nhầm lẫn duy nhất. Theo nhà báo Mỹ gốc Phi nổi tiếng Candace Owens, có 840 cụ già trên 101 tuổi trong đó có 39 cụ sinh vào thời kỳ nội chiến Mỹ và 45 cụ sinh từ thế kỷ 19 đã « bỏ phiếu » tại Pennsylvania. Thế nhưng truyền thông vẫn coi như trong cuộc bầu cử khít khao này không có chuyện kiện tụng và thản nhiên loan tin chiến thắng của ông Biden, cứ như là đài CNN có quyền « truyền chức thánh » cho tổng thống.

Sáng tạo nhất và kịch tính nhất trong tiêu chuẩn kép, là ba kênh truyền hình cấp tiến (tức thiên tả) trong đó có kênh nổi tiếng CBS, đã cắt ngang loan báo của tổng thống vì lý do « nói dối » ; trong khi vẫn có thể chạy băng chữ phía dưới hoặc phản bác sau đó ! Theo luật sư Goldnadel, đây là một mảng tối trong lịch sử kiểm duyệt của truyền thông cánh tả.

Tác giả tỏ ý tiếc là cuộc chiến chủng tộc cũng như tiêu chuẩn kép vẫn đang gặm nhấm dần nền dân chủ Hoa Kỳ, và căn bệnh này dễ lây lan.

Cuộc bầu cử gay go chưa từng thấy

Không chỉ báo chí, trên các mạng xã hội tiếng nói của Donald Trump cũng bị ngăn chận. Dưới bất cứ bài đăng nào của Donald J. Trump, Facebook lại dán thông báo « Joe Biden là ứng cử viên chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020. Nguồn : Reuters/NEP/Edisons và nhiều nguồn khác », trong khi kết quả chính thức phải do Ủy ban Bầu cử Liên bang tuyên bố. Twitter thì tước mọi ưu tiên dành cho tổng thống. Trong một « post » mới, ông Trump phàn nàn Cơ quan Quản lý Dược phẩm (FDA) và phe Dân Chủ không muốn ông có được chiến thắng, nên chờ năm ngày sau bầu cử mới đưa tin về vaccin chống virus corona của Pfizer.

AP dẫn lời người đứng đầu phe đa số ở Thượng Viện Mitch McConnell hôm thứ Hai 09/11 nói rằng ông Donald Trump đúng 100% khi khiếu nại kết quả bầu cử, và cơ quan phụ trách chuyển giao quyền lực GSA từ chối khởi động tiến trình trước khi xác nhận người thắng cử. Phát ngôn viên cơ quan này cho biết có thể không yêu cầu đếm lại phiếu như hồi năm 2000 (giữa hai ứng cử viên Al Gore và Bush), cho đến khi Donald Trump công nhận thất bại hoặc cử tri đoàn được thành lập vào tháng tới.

Hy vọng của phía ông Trump dường như rất mong manh, nhưng phải chăng « ba mươi chưa phải là Tết » ?

RFI