Bắc Kinh “tính sổ” với Trump để “dằn mặt” tân TT Mỹ Biden

Nghe đọc bài

Nổi bật nhất trong tuần dĩ nhiên lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 ngày 20/01/2021 của ông Joe Biden. Việc ông Biden lên thay thế ông Trump đã được hầu như cả thế giới chào đón một cách tích cực. Tuy nhiên, sự kiện này cũng kéo theo một số phản ứng dè dặt từ phía các đối thủ truyền thống của Hoa Kỳ, đi đầu là Trung Quốc. Tạp chí Thế Giới Đó Đây hôm nay sẽ đặc biệt trở lại với cách xử sự bị đánh giá là đầy tính khiêu khích của Bắc Kinh nhắm vào chính quyền mới tại Washington.

Ngay ngày ông Joe Biden tuyên thê nhậm chức, hầu như tất cả các nhân vật lãnh đạo trên thế giới đều đã gởi lời chúc mừng tới tân tổng thống Mỹ, dưới mọi hình thức: Từ tin nhắn Twitter như tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Úc Scott Morrison, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga…, cho đến những bức thư hay thông báo chính thức, như thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, thủ tướng Canada Justin Trudeau, đức giáo hoàng Phanxicô, hoặc là những phát biểu trước Quốc Hội như thủ tướng Ý Giuseppe Conte, thủ tướng Anh Boris Johnson…

Về phần Trung Quốc, phải chờ đến ngày 21/01 mới thấy phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh lên tiếng bày tỏ hy vọng là quan hệ với chính quyền mới tại Hoa Kỳ “sẽ dựa trên cơ sở lý trí”, một mong muốn được lập lại một hôm sau trên Twitter theo đó quan hệ Trung-Mỹ nên “sớm đi trở lại đúng hướng”.

Theo ghi nhận của kênh truyền thông Mỹ CNBC, trong suốt 36 tiếng đồng hồ trước đó, sau lễ nhậm chức của ông Biden, các quan chức và báo chí Trung Quốc gần như chỉ nói về các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh vừa loan báo nhắm vào 28 nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump, trong đó có cả cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, hay cựu cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien.

Nhất cử lưỡng tiện: Đánh Trump, dọa Biden

Đối với giới quan sát, hành động của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm trả đũa các quan chức trong chính quyền Trump vào lúc những người này không còn giữ những chức vụ chính thức, mà còn là một thủ đoạn nhằm răn đe các quan chức mới trong tân chính quyền Mỹ.

Giáo sư Ngô Tâm Bá (Wu Xinbo), viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Đại Học Phúc Đán (Trung Quốc), nhận định với nhật báo Anh Financial Times ngày 21/01 rằng: “Việc nêu tên của những người bị trừng phạt là một hình thức bêu xấu và sỉ nhục.”

Theo nhân vật đồng thời là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc: “Đó chủ yếu là một tín hiệu dành cho chính quyền Trump sắp mãn nhiệm để kết toán mọi việc. Nhưng đồng thời, đó cũng là một lời cảnh báo cho các chính trị gia tương lai của Hoa Kỳ”.

Biden từng gọi Tập là “côn đồ”

Nhật báo Anh nhắc lại rằng ông Biden đã từng tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, và năm ngoái đã mô tả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một “kẻ côn đồ”. Gần đây, ông đã bổ nhiệm Kurt Campbell, một chuyên gia kỳ cựu về châu Á, làm người phụ trách cho khu vực.

Antony Blinken, ứng viên ngoại trưởng của ông Biden, trong tuần này cũng xác định rằng dù ông không đồng ý với cách ông Trump thực hiện chính sách Trung Quốc, nhưng ông thấy rằng cựu tổng thống “đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn”. Còn Avril Haines, người sắp trở thành giám đốc tình báo quốc gia của ông Biden, cho biết bà ủng hộ “lập trường cứng rắn” đối với Bắc Kinh, và cách tiếp cận Trung Quốc của Mỹ phải đáp ứng về cơ bản thực tế của một Trung Quốc hiện đang đặc biệt quyết đoán và hung hăng”.

Nhật báo Mỹ The Washington Post hôm 21/01 đã nêu bật thời điểm mà Trung Quốc chọn để công bố quyết định trừng phạt các quan chức trong chính quyền Mỹ mãn nhiệm: Đúng “vào lúc 12 giờ 4 phút (giờ Washington) hôm thứ Tư 20 tháng Giêng, trong khi tổng thống Biden vẫn đang đọc diễn văn nhậm chức”. Đối với tờ báo Mỹ, khi hành động như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ đánh vào ê kíp của ông Trump đã mãn nhiệm, mà còn tìm cách bắt nạt và đe dọa chính quyền Mỹ sắp tới, để ép buộc phải sửa đổi hướng đi. Thủ đoạn này, theo The Washington Post, chắc chắn sẽ thất bại vì nhiều lý do.

Ê kíp Biden nhất trí với cáo buộc “diệt chủng” nhắm vào Trung Quốc

Trước hết, lý do khiến Bắc Kinh phẫn nộ là tuyên bố hôm 19/01 của ngoại trưởng Pompeo theo đó chính phủ Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở tỉnh Tân Cương. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã gọi lời tố cáo của ông Pompeo là một “mớ giấy lộn”, và nói rằng ông Pompeo “đang tự biến mình thành trò cười và một tên hề”. Thế nhưng, theo tờ báo Mỹ, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú ý hơn đến những người đồng cấp mới trong chính quyền Biden, họ sẽ nhận ra rằng chiến lược mạnh mẽ này chắc chắn sẽ thất bại.

Hôm 19/01, trong buổi điều trần trước Thượng Viện, ngoại trưởng Mỹ trong tương lai là ông Antony Blinken đã tuyên bố rằng ông đồng ý với lời buộc tội diệt chủng mà ông Pompeo đưa ra. Ý kiến này không phải là cá biệt. Theo nhiều nguồn tin, ban vận động tranh cử của ông Biden đã đưa ra quyết định như trên sau một cuộc tranh luận nội bộ vào tháng 8.

Về cá nhân ông Blinken, xuất thân từ một gia đình thoát được nạn diệt chủng người Do Thái và các cuộc tàn sát ở Nga, khó có khả năng ông thay đổi cách nhìn và thôi không gọi những gì Trung Quốc làm đối với người Duy Ngô Nhĩ là diệt chủng chỉ vì bị đe dọa. Trong thực tế, sự bắt nạt của Bắc Kinh đã khiến cho việc thay đổi thêm khó khăn, và đó là tính toán sai lầm lớn đầu tiên của ĐCSTQ.

Đối sách cứng rắn với Bắc Kinh “cơ bản là đúng”

Sai lầm thứ hai của Bắc Kinh là đã cho rằng chính quyền Biden không đồng ý với lập trường cơ bản của chính quyền Trump đối với Trung Quốc. Ông Blinken đã không ngần ngại nói với các thượng nghị sĩ rằng chính sách chống Trung Quốc của chính quyền Trump “về cơ bản là đúng” và chính quyền Trump đã “làm đúng khi có một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”, mặc dù ông không đồng ý với cách thức chính quyền Trump thực hiện.

Nói cách khác, chính quyền Biden đang đổi mới thương hiệu chứ không phảỉ sáng tạo lại đối sách chống Trung Quốc của chính quyền Trump. Các quan chức hàng đầu phụ trách châu Á sắp tới đây đều tập trung vào vấn đề cạnh tranh chứ còn quay trở lại lối xưa là chiêu dụ Trung Quốc với hy vọng quan hệ suôn sẻ.

Ngoài ra, trong giới cộng sự viên hiện nay của ông Biden, những người cho rằng Bắc Kinh quan tâm đến việc chơi đẹp đều đã bị mất uy tín. Bản thân Trung Quốc cũng hạ thấp uy tín của mình khi tăng cường truyền bá các thuyết âm mưu về nguồn gốc của Covid-19, kêu gọi mở điều tra về một căn cứ quân sự ở Mỹ trong khi ngăn cản các nỗ lực điều tra nguồn gốc của virus ở Vũ Hán. Bắc Kinh cũng đang lan truyền những lời nói dối về vac-xin của Hoa Kỳ để xóa nhòa sự thật về các vấn đề liên quan đên vac-xin của chính Trung Quốc. Các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ cũng đang gia tăng đe dọa Đài Loan.

Nga Mỹ sẽ đối thoại về hiệp định New Start

Nếu quan hệ giữa chính quyền Biden với Trung Quốc có một khởi đầu khá căng thẳng thì quan hệ với Nga có dấu hiệu hòa dịu hơn, với khả năng Matxcơva sẵn sàng xem xét đề nghị của tổng thống Biden là kéo dài thêm 5 năm hiệu lực của hiệp ước giảm trừ vũ khi hạt nhân New Start.

Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva, trong thời gian qua, chính quyền Nga không che giấu thái độ nghi kỵ ông Biden, và cho rằng họ không mong đợi gì nhiều từ Joe Biden và chính quyền của ông. Điện Kremlin rất cảnh giác với tân tổng thống Mỹ và ê kíp của ông, vốn đã bị xem là “không thân thiện với Nga”:

“Cách cư xử của họ có thể thân thiện hơn nhưng chính sách của Mỹ chắc chắn sẽ không thay đổi”, câu nói này vào đầu tuần ở Matxcơva của Sergei Lavrov, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, đủ cho thấy tâm trạng của các nhà lãnh đạo Nga đối với Joe Biden.

Nếu Vladimir Putin là một trong những nhà lãnh đạo cuối cùng trên hành tinh chúc mừng tân tổng thống Mỹ khi ông thắng cử, thì đó không chỉ là vì Điện Kremlin đã đặt cược vào chiến thắng của Donald Trump, mà cũng là do những tuyên bố rất thù địch chống lại Nga của Joe Biden trong chiến dịch tranh cử.

Do đó, Nga chờ đợi một quan hệ khó khăn với tân chính quyền Hoa Kỳ và khả năng các biện pháp trừng phạt Nga được siết chặt.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát ở Matxcơva tin rằng nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ có thể có những tác động tích cực đối với Nga.

Đầu tiên, bằng cách chấm dứt tình trạng bất ổn và khó đoán, đặc trưng của Donald Trump. Sau đó, với khả năng hai bên nhất trí được về hai chủ đề rất quan trọng đối với chính quyền Nga: thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, và các cuộc đàm phán về vũ khí nguyên tử.

Quan hệ mới giữa hai nước sẽ sớm được trắc nghiệm: Hiệp ước New Start về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sẽ hết hiệu lực ngay vào ngày 5 tháng Hai tới đây.

WHO vui mừng đón Hoa Kỳ trở lại

Ngoài lãnh vực chính trị, trong số các quyết định mang tầm vóc toàn cầu và rất thời sự mà tân tổng thống Mỹ đã loan báo ngay ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông là việc đưa Mỹ trở lại Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS, đảo ngược một chủ trương gây tranh cãi của người tiền nhiệm Donald Trump, một người luôn giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 và phủ nhận vai trò của WHO, cho rằng tổ chức này là con rối trong tay Trung Quốc.

Không đầy 24 giờ sau khi nhậm chức, tân tổng thống Joe Biden đã cử nhà miễn dịch học Anthony Fauci tham gia một cuộc họp của ban điều hành WHO, dĩ nhiên là được tổ chức trực tuyến.

Theo thông tín viên RFI Jérémie Lanche tại Genève, Tổ Chức Y Tế Thế Giới dĩ nhiên là hết sức vui mừng trước quyết định tham gia trở lại của Mỹ, vì Hoa Kỳ là nguồn tài trợ quan trọng nhất của định chế này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều đã ổn thỏa.

“Đây quả là một tin vui cho ngành y tế toàn cầu và cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới”. Ông Tedros Ghébréyesus, lãnh đạo của tổ chức đã tuyên bố như trên, giải thích rằng Hoa Kỳ chiếm hơn 20% ngân sách của WHO. Sự trở lại của Mỹ cũng đánh dấu việc Hoa Kỳ tham gia chương trình COVAX để cung cấp vac-xin cho các nước kém phát triển hơn.

Không khí hoàn toàn khác với những chỉ trích vào thời Donald Trump, khi Washington đả kích tổ chức về việc quản lý đại dịch.

Người tượng trưng cho sự thay đổi này là bác sĩ Anthony Fauci. Nhân vật phụ trách vấn đề Covid trước đây trong chính quyền Trump được cử làm trưởng phái đoàn Mỹ tại hội nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. 

Ông Fauci đã tuyên bố nguyên văn như sau về WHO: “Trong những tình huống khó khăn, tổ chức này đã tập hợp toàn bộ cộng đồng khoa học để đẩy nhanh việc phát triển vac-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán. Tổ chức đã phân phối hàng triệu thiết bị cho hàng chục quốc gia. Và đã chiến đấu không ngừng cùng với các nước trong cuộc chiến chống lại Covid”.

Có thể nói là quan hệ giữa Mỹ và Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã lắng dịu trở lại, nhưng chưa phải là một tuần trăng mật. Trong bài phát biểu trước ủy ban chấp hành Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bác sĩ Fauci đã tái khẳng định quyết tâm của Washington trong việc cải tổ WHO, đôi khi bị cáo buộc là quá dễ dãi đối với Bắc Kinh.

Hoa Kỳ cũng đang kêu gọi làm sáng tỏ nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19, một nhiệm vụ mà các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới được cử đến Vũ Hán đang thực hiện.

Theo RFI