‘20% thành viên AmCham, EuroCham’ ở Việt Nam đã chuyển sang nước khác

Các doanh nghiệp ngoại quốc tại Việt Nam than phiền vì chi phí tăng cao do phải tuân thủ chính sách “ba tại chỗ” và xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho công nhân. (Hình: Zing)
Nghe đọc bài

Bản tin trên báo Tuổi Trẻ hôm 19 Tháng Chín, tiết lộ “ít nhất 20% thành viên” của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác.

Các hiệp hội này bao gồm Hiệp Hội Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nam Hàn tại Việt Nam (KoCham).

“Nhiều thành viên của các hiệp hội cho hay, nhà đặt hàng thay đổi phương thức sản xuất sẽ rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác,” báo Tuổi Trẻ trích dẫn dữ liệu khảo sát của các hiệp hội nêu trên.

Ít nhất bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã ký vào một bản kiến nghị gởi chính phủ Việt Nam với tối hậu thư “Chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay trở lại.”

Các tổ chức này đề nghị chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực,” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Trong văn bản, các hiệp hội cho biết các nhà đầu tư tiềm năng không thể đến nếu Việt Nam không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.

Bên cạnh đó, các hiệp hội nêu yêu cầu có một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi được điều phối giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán khi áp dụng hệ thống vaccine điện tử.

Liên quan vụ này, ấn bản Đầu Tư Tài Chính của báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 16 Tháng Chín dẫn ý kiến của ông Julien Brun, đối tác quản lý tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL: “Thách thức đối với hầu hết các nhà máy sử dụng nhiều lao động là một khi phát hiện một trường hợp bị COVID-19, toàn bộ nhà máy sẽ phải đóng cửa. Điều này gia tăng sự bấp bênh về khả năng sản xuất để có thể đáp ứng các đơn đặt hàng.”

Việc các tỉnh, thành ở Việt Nam áp lệnh phong tỏa kéo dài dẫn đến hệ lụy là chuỗi cung ứng hàng hóa ra bên ngoài bị đứt gãy. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo ông Brun, nhiều nhà máy ở Việt Nam đang hoạt động chậm lại bởi thiếu nguồn cung quan trọng do tắc nghẽn cảng, công tác hải quan chậm trễ và thiếu năng lực vận chuyển. Tình trạng này góp phần làm cho lượng hàng tồn kho nhanh chóng cạn kiệt, nhà máy hết linh kiện hoặc nguyên liệu thô. Bên cạnh các thành phần sản xuất, việc bảo trì cũng bị ảnh hưởng do thiếu các bộ phận thay thế cho máy móc.

Trong khi đó, Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, cho biết 30-50% xưởng may đã phải đóng cửa do không đáp ứng được quy định về việc công nhân phải ăn ngủ tại chỗ, dẫn đến việc phải hủy đơn hàng, một số khách hàng chuyển đơn hàng sang các nước cạnh tranh.

Theo Người Việt