Trần Đại Quang được Trương Mỹ Lan ‘hối lộ 1 tỷ đô’

Trần Đại Quang trước khi chết hồi tháng 9/2018
Nghe đọc bài

“Rõ ràng ông Trần Đại Quang đã được bà Trương Mỹ Lan đưa cho một tỷ đô la hối lộ nhưng ông không còn có lợi cho Trung Quốc nữa”, VOA dẫn nguồn tin Singapore cho biết.

Là một doanh nhân gốc Hoa, gia tộc của bà Trương Mỹ Lan được xem là một trong những gia tộc giàu có nhất Việt Nam. Bà cũng được cho là có mối quan hệ thân thiết với các quan chức tại thành phố Hồ Chí Minh và sở hữu nhiều bất động sản sang trọng ngay trung tâm thành phố, nhưng thông tin về bà và tập đoàn Vạn Thịnh Phát lại khá hạn chế, không như những trùm tài phiệt khác tại Việt Nam.

“Công ty là một bí ẩn”, tờ Nikkei dẫn lời một người trong ngành tài chính nói.

“Các vụ án nhằm vào các nhân vật kinh doanh chủ chốt đều có liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực chính trị” trong Đảng Cộng sản Việt Nam, Nikkei dẫn một nguồn tin trong ngành bất động sản nhận định.

Trong khi đó, Singapore Post nói chồng của bà Trương Mỹ Lan, một người Trung Quốc và kinh doanh bất động sản, được cho là có quan hệ họ hàng xa với “cựu sa hoàng” về an ninh của Trung Quốc bị thất sủng Chu Vĩnh Khang và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ báo cũng đề cập đến những cái chết bất thường, mà Việt Nam đã cố kiểm soát thông tin, của ba giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong vài ngày đầu tháng 10 làm dấy lên đồn đoán về sự liên quan của Trung Quốc trong vụ án này.

Vẫn theo Singapore Post, nhà chức trách Việt Nam có thể đặt giả thuyết rằng ba người thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị gián điệp Trung Quốc diệt trừ để cứu bà Lan vì họ đã có bằng chứng về tất cả những hành vi sai trái của bà.

Tờ báo của Singapore cũng nhắc đến tin đồn về cái chết của nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là có liên quan đến người Trung Quốc.

Ông Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018 khi đang giữ chức vụ chủ tịch nước.

“Rõ ràng ông ta đã được bà Lan đưa cho một tỷ đô la hối lộ nhưng ông không còn có lợi cho Trung Quốc nữa”, tờ báo nói.

“Xét đến mức độ nhạy cảm của vụ việc, nhà chức trách Việt Nam đã cấm các hãng truyền thông đăng tải câu chuyện và quy những cái chết là do nguyên nhân tự nhiên. Một thực tế được biết đến ở Việt Nam là có một mạng lưới gián điệp Trung Quốc mạnh mẽ và hầu như tất cả các cơ sở quan trọng đều bị đặc vụ của mạng lưới này xâm nhập, đó là những người không ngại thực hiện những hành động cực đoan như đầu độc đối thủ”.

Theo Singapore Post, hiện một số lượng lớn người Việt gốc Hoa tại Việt Nam đang mua tài sản tại các vị trí chiến lược ở các quốc gia và hầu hết trong số họ đều có mối quan hệ ở Trung Quốc đại lục.

“Với mục tiêu ngăn chặn việc mua đất tại các vị trí chiến lược của người Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã thông qua nghị quyết không cho người nước ngoài mua đất ven biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã lách điều khoản này bằng cách kết hôn với một người Việt ở địa phương hoặc tài trợ cho một người Việt Nam mua đất ven biển. Tương tự, các doanh nhân Trung Quốc cũng đã mua một số lượng lớn bất động sản tại đảo Vân Đồn có vị trí chiến lược trong Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông”.

Tờ báo của Singapore lưu ý thêm về “chiêu thức” quen thuộc của Bắc Kinh là sử dụng các nhà lãnh đạo tham nhũng, các doanh nhân của các quốc gia yếu kém về kinh tế để xâm nhập vào các quốc gia đó.

“Điều này cho phép Nhà nước Trung Quốc không chỉ tăng cường lợi ích kinh doanh của mình ở các quốc gia này mà còn lén lút thâm nhập vào chính thể của quốc gia, với mục tiêu đảm bảo ảnh hưởng lâu dài của họ”, Singapore Post nhận định.

(Theo VOA)

Bài liên quan

Vạn Thịnh Phát và thăng trầm người gốc Hoa ở Việt Nam