Hãy để cho SCB phá sản!

Người dân đã mất niềm tin vào ngân hàng SCB
Nghe đọc bài

Hãy để cho SCB phá sản, hãy để nỗi đau đó nó trở thành hiện thực. Dĩ nhiên là thiệt hại là vô cùng lớn,” chuyên gia tài chính nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, nhận định: “Sắp tới đây có lẽ ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển giao bắt buộc SCB cho ngân hàng nào lớn của Việt Nam, mà ngay cả phương pháp đó tôi thấy cũng không ổn.

Thế thì mình chỉ có hai con đường thôi, hoặc là chuyển giao bắt buộc hoặc là phá sản. Mà phá sản thì ngân hàng nhà nước không muốn. Chuyển giao bắt buộc thì có vấn đề. Thành ra đến cuối cùng thì việc chuyển giao bắt buộc SCB vào một ngân hàng khác là một vấn đề.

Đặc biệt nữa là SCB vẫn còn huy động vốn là 6 tỷ đô la. Con số này là rất lớn và nợ xấu đã lên đến 97%, tức là hầu như toàn bộ cái dư nợ đều trở thành nợ xấu hết rồi. Tôi không biết là ngân hàng nào có can đảm, có hứng thú để nhận chuyển giao bắt buộc hay không. Thành ra tôi thấy là chuyện này đang đi vào ngõ bí, chứ cũng không phải là đường cụt.

Tôi thì nhìn về cái hướng phá sản. Hãy để cho SCB phá sản, hãy để nỗi đau đó nó trở thành hiện thực. Dĩ nhiên là thiệt hại là vô cùng lớn.

Những người có tiền gởi tại SCB có thể mất phần lớn số tiền gởi của họ. Tuy nhiên, ở Việt Nam có Luật bảo hiểm tiền gởi và hiện tại ở Việt Nam có công ty bảo hiểm tiền gởi quốc gia. Công ty này bảo hiểm số tiền gởi cho mỗi khách hàng lên đến 125 triệu đồng mỗi người trên một ngân hàng.

Thành ra, những người có tiền gởi ở ngân hàng SCB, nếu mà ngân hàng này đi vào phá sản thì chắc chắn công ty bảo hiểm tiền gởi sẽ bồi thường cho mỗi người 125 triệu đồng. Thế nhưng mà có lẽ số tiền 125 triệu đồng đó là con số rất khiêm tốn so với 6 tỷ đô la còn lại trong ngân hàng; và rất nhiều người, kể cả các tổ chức kinh tế có số tiền gởi vượt khỏi 125 triệu đồng trong một tài khoản. Thành ra nếu đi vào sự phá sản thì thiệt hại rất lớn.

Nhưng mà cái lợi của phá sản là thôi, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Tất cả tài sản của ngân hàng sẽ được thanh lý và chi trả cho các chủ nợ của ngân hàng, trong đó người gởi tiền, có tiền thuế của chính phủ, có các chủ nợ của ngân hàng… và nếu còn lại được đồng nào thì cổ đông của SCB sẽ được hưởng nhưng đây là điều không tưởng.

Còn giải pháp thứ hai là chuyển giao bắt buộc, nếu thành công thì đó là may mắn cho SCB không phải đi vào phá sản. Có thể những người có tiền gởi tại SCB sẽ được ngân hàng mẹ cam kết trả tiền lại cho họ. 

Nếu mà đi vào phương án 2 thì có thể các khách hàng gởi tiền sẽ được cam kết cũng như khách hàng của ngân hàng mẹ. Thế nhưng hiện tại chưa xảy ra chuyện đó. Thành ra chúng ta cũng chưa biết liệu rằng ngân hàng mẹ có cam kết bảo lãnh trả cho khách hàng của SCB hay không. Trên nguyên tắc thì họ phải làm điều đó. Thế nhưng mà ở Việt Nam mọi chuyện đều có thể xảy ra.

(Theo RFA)