Home Biển Đông Tàu hải cảnh TQ tuần tra ở bãi Tư Chính, CSVN câm...

Tàu hải cảnh TQ tuần tra ở bãi Tư Chính, CSVN câm nín

Nghe đọc bài

Tàu hải cảnh Trung Quốc 5901 lại thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 21/2 để “tuần tra” gần Bãi Tư Chính, hai trang tin tiếng Anh Atlas News và BNN đưa tin.

Theo Atlas News và BNN, con tàu khổng lồ thuộc lớp Triệu Đà – có lượng choán nước gần 11.000 tấn và là tàu hải cảnh lớn nhất thế giới – đã đi tuần quanh các lô dầu khí gần Bãi Tư Chính. Bãi này cách thành phố Vũng Tàu hơn 400 km về phía Đông Nam và có các giàn khoan dầu khí của Việt Nam.

Một tàu kiểm ngư của Việt Nam, số hiệu 261, bám theo tàu hải cảnh của Trung Quốc, tin cho hay. Tàu của Trung Quốc đã đi trong khu vực vài giờ rồi rời khỏi nơi đó, vẫn theo Atlas News và BNN.

Cách đây chưa lâu, chính con tàu này của Trung Quốc đã hoạt động trong cùng khu vực thuộc vùng EEZ của Việt Nam từ đầu tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024, sau đó quay về cảng ở Hải Nam.

Một tàu hải cảnh khác, số hiệu 5402, đã thay thế tàu 5901 thực hiện các cuộc “tuần tra” trong các vùng EEZ của cả Việt Nam lẫn của Indonesia và Malaysia cho đến đầu tháng 2/2024, tin của Atlas News cho biết thêm.

Tàu 5901 trang bị 1 pháo lớn 76 ly, 2 pháo 30 ly và 2 súng máy phòng không hạng nặng. Nó có tầm hoạt động trong khoảng giữa 10.000 và 15.000 hải lý (18.500 và 27.700 km), với tốc độ tối đa lên đến 25 hải lý/h (46 km/h). Tàu cũng có bãi đáp trực thăng.

BNN dẫn phân tích của Dự án SeaLight thuộc Đại học Stanford ở Mỹ nhận xét rằng việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra có tính xâm phạm vào các vùng EEZ không chỉ của Việt Nam mà của cả Indonesia lẫn Malaysia là động thái có tính toán để thể hiện yêu sách của Bắc Kinh về lãnh hải, cho thấy họ sẵn sàng bảo vệ ranh giới mà họ đặt ra hoặc thậm chí là mở rộng thêm nữa.

Việc Trung Quốc tung ra những con tàu lớn, có giá trị cao ở Bãi Tư Chính và những vùng biển mà một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, theo phân tích của đại học Mỹ được BNN dẫn lại, là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xác định quyền kiểm soát trên thực tế đối với các tuyến hàng hải chiến lược bằng cách “bình thường hóa” sự hiện diện liên tục của Trung Quốc.

Dự án SeaLight thuộc Đại học Stanford cho rằng việc tàu kiểm ngư của Việt Nam bám theo tàu hải cảnh Trung Quốc thể hiện tư thế đối phó của các nước nhỏ hơn, ở vào thế khó phải cân bằng giữa một bên là chủ quyền còn bên kia là ngoại giao.

Trang BNN đưa ra quan sát rằng việc tàu 5901 của Trung Quốc quay lại “tuần tra” ở Bãi Tư Chính là lời nhắc nhở rằng các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng và các tranh chấp trên bình diện rộng hơn lâu nay vẫn phủ bóng đen lên khu vực.

(Theo VOA)