Sự thật về việc Bắc Kinh xây ‘đường băng’ ở đảo Tri Tôn

Hình ảnh vệ tinh của đảo Tri Tôn
Nghe đọc bài

“Đường băng” mới giả định trên Tri Tôn chỉ dài 600 mét và rộng 15 mét, quá nhỏ đối với kích cỡ của chiến đấu cơ, máy bay giám sát hoặc vận tải quân sự.

Trung Quốc trong khoảng một tháng qua đã khởi động một dự án xây dựng mới trên đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa. Đảo này gần Việt Nam, khiến vùng biển và vùng trời xung quanh nó trở nên đặc biệt căng thẳng.

Tri Tôn và các tuyên bố chủ quyền tại đây đóng vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng vào năm 2014, thời điểm Trung Quốc triển khai một giàn khoan nước sâu.

Vị trí chiến lược này dẫn đến suy đoán rằng một dải đất nhô cao có thể nhìn thấy trong hình ảnh vệ tinh gần đây của Triton có thể là điểm khởi đầu của một đường băng nhằm phô diễn sức mạnh về phía Việt Nam. Nhưng điều đó khó xảy ra.


Dải đất được đề cập nhỏ hơn nhiều so với bốn đường băng hiện có của Trung Quốc ở Biển Đông, tại đảo Phú Lâm gần đó ở quần đảo Hoàng Sa và Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa.

Mỗi đường băng trong số đó dài khoảng 3.000 mét và rộng 50 mét. “Đường băng” mới giả định trên Tri Tôn chỉ dài 600 mét và rộng 15 mét, quá nhỏ đối với kích cỡ của chiến đấu cơ, máy bay giám sát hoặc vận tải quân sự.

Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng nó đến rìa của hòn đảo, nó sẽ chỉ dài 930 mét. Ngoài ra, không có dấu hiệu của đường lăn hoặc sân đỗ.

Về mặt lý thuyết, các máy bay hoặc drone có thể sử dụng đường băng có kích thước này. Nhưng căn cứ không quân lớn của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm chỉ cách đó 100 dặm, và Tri Tôn đã có một sân bay trực thăng và cảng để vận chuyển vật tư và nhân sự.

Một lời giải thích hợp lý hơn là dải đất này chỉ là con đường đắp hoặc đường trên cao nối căn cứ hiện có tại Tri Tôn, cùng với một tòa nhà lớn không rõ mục đích xây dựng. Vị trí địa lý của Tri Tôn giúp giải thích tại sao điều này là cần thiết.

Hòn đảo này cực kỳ thấp và dễ bị ngập nước biển thường xuyên. Hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn hòn đảo thường bị ngập lụt trong một thời gian dài. Đó có lẽ là lý do tại sao Trung Quốc chỉ xây dựng trên một mảnh đất tương đối nhỏ và có lẽ là ổn định ở góc Tây Nam của hòn đảo, trên đó họ cũng đã trồng thực vật giúp ngăn xói mòn.

Trên thực tế, kể từ năm 2021, một số phần của bờ biển phía Bắc của hòn đảo đã dần bị chìm ra biển.