Triển vọng lấy lại Hoàng Sa càng xa vời, bế tắc

Nỗi đau mất Hoàng Sa còn mãi trong tâm thức người Việt
Nghe đọc bài

Chưa đầy một tháng nữa là tròn 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực. Ước vọng của người Việt Nam lấy lại phần đất linh thiêng này của tổ quốc xem ra càng xa vời trong niềm tiếc nhớ.

Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, lợi dụng thời cơ Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và Quốc Hội Hoa Kỳ có nghị quyết cấm quân đội Mỹ tham chiến tại Đông Dương sau Hiệp Định Paris 1973, quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), gây ra trận hải chiến đẫm máu ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20 Tháng Giêng, 1974, Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo. Trước đó, Trung Quốc chỉ làm chủ được một nhóm đảo phía Đông mà họ chiếm được trong lúc tranh tối tranh sáng khi người Pháp rút đi và trước khi VNCH tái lập chủ quyền quần đảo năm 1956. Trong trận Hoàng Sa 1974, Hải Quân VNCH có 74 thủy thủ tử trận, 16 người bị thương, và 48 người bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc có 18 thủy thủ thiệt mạng, 67 người bị thương.

Năm mươi năm qua, dù qua bao biến động dữ dội của thời cuộc, người Việt Nam cả trong và ngoài nước vẫn thao thức không nguôi mỗi khi nghĩ tới Hoàng Sa hoặc có dịp bay qua bầu trời quần đảo hoặc đọc tin về những ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi bị cướp bóc, đánh đập khi hành nghề gần các đảo Tri Tôn, Phú Lâm, một thời thuộc cương vực của tổ quốc. “Sang năm tới Hoàng Sa” đã trở thành câu nhắn gửi cho nhau của người Việt, nuôi dưỡng trong lòng niềm hy vọng một ngày giành lại phần đất nước thiêng liêng đang nằm trong tay quân xâm lược, giống như dân Do Thái sau vài ngàn năm ly tán khắp bốn phương vẫn hẹn nhau “sang năm về Jerusalem” vậy.

50 năm qua, Trung Quốc biến Hoàng Sa từ một vùng hoang đảo không có người ở ngoài một vài đơn vị làm công tác khí tượng và nghiên cứu khoa học thành một căn cứ quân sự khổng lồ, một khu dân cư đông đúc có gần đủ các dịch vụ thiết yếu. Có căn cứ Hoàng Sa làm hậu thuẫn, Trung Quốc liên tục lấn sâu vào vùng lãnh hải Việt Nam, thực hiện các hoạt động đánh bắt hải sản và thăm dò dầu khí trong vùng biển miền Trung trước sự bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam. Chính quyền Việt Nam thậm chí còn chấp nhận bồi thường không nhỏ để các tập đoàn khai thác dầu khí quốc tế phải bỏ các dự án của họ.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam dường như không có hành động nào cho thấy Hà Nội có ý định lấy lại Hoàng Sa. Thỉnh thoảng, mỗi khi Trung Quốc lấn tới trên Biển Đông, bức hại ngư dân Việt Nam thì Hà Nội lại cho người phát ngôn lên TV đọc câu văn viết sẵn: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Tuyên bố sáo rỗng đó cứ nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc vô hồn mà không có hành động đi kèm, từ năm này sang năm khác, trở nên rất nhàm chán. Giới chức cao cấp nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng… chưa một ai bày tỏ ý kiến rõ ràng và mạnh mẽ về những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Tệ hại hơn, công an còn bắt bớ, xử tù những người dân yêu nước xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Chỉ cần mặc chiếc áo có dòng chữ “Hoàng Sa của Việt Nam” cũng đủ để người mặc gặp rắc rối với nhà nước toàn trị. Người dân chỉ còn âm thầm nhắc nhau “Sang năm tới Hoàng Sa” như một lời động viên tinh thần, giữ một niềm hy vọng dù không ai biết được làm thế nào, bằng cách nào để biến niềm hy vọng đó thành sự thực.

Nhiều người tin vào luận điểm của tuyên giáo cộng sản, rằng đảng CSVN và nhà cầm quyền Việt Nam không thể cứng rắn với Trung Quốc vì giữa hai nước có sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về ý thức hệ và thể chế chính trị. Hơn thế nữa, kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cung cấp nhiều nhất thiết bị, nguyên vật liệu và sản phẩm tiêu dùng cho Việt Nam. Nếu hai bên căng thẳng thì Việt Nam lâm vào khủng hoảng lớn. Rồi mới giữa Tháng Mười Hai năm nay Việt Nam và Trung Quốc còn ký kết “cộng đồng cùng chia sẻ tương lai” nhân chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Quốc.

Quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, hai nhà nước toàn trị càng nồng thắm thì triển vọng lấy lại Hoàng Sa càng xa vời, càng bế tắc.

Hiếu Chân/Người Việt