Phạm Minh Chính phán ‘vận dụng chiến tranh nhân dân’

Phạm Minh Chính
Nghe đọc bài

Đây không phải là lần đầu tiên ông Phạm Minh Chính đưa ra phát ngôn sáo rỗng, lạm dụng việc tuyên truyền để “lên gân.”

“Vận dụng chiến thuật chiến tranh nhân dân trong khắc phục khó khăn kinh tế,” đó là chỉ đạo mới nhất của ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, tại sự kiện Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam được tổ chức hôm 18 Tháng Mười Hai ở Hà Nội.

Theo trang wikipedia, “chiến tranh nhân dân” là chiến lược quân sự tại Việt Nam để chỉ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc do nhân dân Việt Nam tiến hành trong tiến trình lịch sử, ví dụ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Theo trang tin Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam hôm 18 Tháng Mười Hai, tại sự kiện nêu trên, ông Chính nhấn mạnh Việt Nam “đã cơ bản vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.”

Thủ Tướng Chính diễn giải rằng điều này có được là nhờ “chủ trương lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt của đảng.”

Tiếp đó, ông này chỉ đạo chung chung rằng năm 2023, cán bộ “không bi quan và cũng không lạc quan.”

Để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn trong năm tới, giới chức các bộ, ban, ngành địa phương “phải bản lĩnh, ý phải chín, hành động phải quyết liệt, tư duy mạch lạc.”

Tuy vậy, ông Chính không giải thích rõ cụ thể sẽ vận dụng chiến thuật “chiến tranh nhân dân” trong việc điều hành nền kinh tế ra sao.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Phạm Minh Chính đưa ra phát ngôn sáo rỗng, lạm dụng việc tuyên truyền để “lên gân.”

Tương phản với những lời tuyên bố hùng hồn của thủ tướng, từ một tháng nay, các báo ở Việt Nam đưa nhiều tin về thực trạng kinh tế Việt Nam được dự báo ngày càng khó khăn trong năm tới.

Theo báo VNExpress hôm 12 Tháng Mười Hai, hàng ngàn công nhân ở tỉnh Bình Dương đang khốn đốn vì phải nghỉ Tết Quý Mão 2023 dài đến… hai tháng do nhà máy hết đơn hàng.

Bản tin dẫn lời ông Nguyễn Văn Hưng, quản lý khu trọ Hưng Lợi 2 ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết cơ sở này có hơn 1,300 phòng, cao điểm có trên 4,000 người thuê nhưng từ đầu Tháng Bảy đến nay, công nhân trả phòng liên tục.

Từ đầu Tháng Tháng Mười Hai, số người về quê tăng nhanh do các công ty cho nghỉ Tết sớm hoặc tạm hoãn hợp đồng. Đến nay, khu trọ có hơn 1,000 phòng trống.

Cũng theo VNExpress, từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Một, có hơn 37,700 người lao động tại Bình Dương phải nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng. Không ít doanh nghiệp gỗ, giày da, may mặc hoạt động cầm chừng, làm việc cách nhật, nghỉ luân phiên. Số người lao động bị ảnh hưởng lên tới 240,000 người. Thậm chí, nhiều nhà máy phải cho công nhân nghỉ Tết sớm, bắt đầu từ Tháng Mười Hai. 

(Theo Người Việt)