Nhà báo ở Hà Nội ‘chán’ báo đảng ‘ngạo nghễ’ về 30/4

Báo đảng 48 năm sau vẫn say sưa về "giải phóng", khoét sâu nỗi đau của dân miền Nam
Nghe đọc bài

Một nhà báo tự do ở Hà Nội bình luận rằng nếu báo đảng cứ 30/4 nào cũng lải nhải hai từ “giải phóng” thì đến bao giờ thì mới hòa hợp và hòa giải với cái não trạng này?

Tôi không hiểu là “giải phóng” cái gì khỏi cái gì?

Về quân sự, lính Mỹ đã rút khỏi Việt Nam từ 29/3/1973.

Về kinh tế thì nếu không “giải phóng” bây giờ mức sống của miền Nam chắc hẳn rất cao, không thua kém Singapore, Hàn Quốc.

Về giáo dục chắc chắn cũng hơn giáo dục hiện nay bởi ngày ấy giáo dục của VNCH đã được đánh giá cao trong khu vực.

Và sẽ không có một đại thảm kịch khi bao ngàn người mất mạng trên biển Đông, bị hải tặc giết và hãm hiếp khi họ chạy trốn khỏi quê hương mới được “giải phóng”.

Gần nửa thế kỷ đã qua mà vẫn ngôn từ cũ, vẫn quan niệm cũ, chỉ có mỗi sự tham nhũng của bộ máy thì ngày càng tồi tệ hơn, ngày càng sâu và rộng hơn.

Nhất định không chịu lớn, nhất định ngạo nghễ đến cùng! Tại sao không nhìn nhận lịch sử một cách công bằng? Nhìn nhận công bằng sẽ dẫn đến ngôn từ đúng đắn và hợp lòng người.

Trời ơi, đến bao giờ thì mới hòa hợp và hòa giải với cái não trạng này?

Trách nhiệm để làm được sự nghiệp này phần chính nằm trên vai của bên thắng cuộc. Những gì bên thắng cuộc làm được đến nay chỉ là câu chữ oang oang rỗng tuếch, thiếu thực tâm.

Việc cần làm đầu tiên là nhìn ra những sai lầm của những người đi trước. Việc đối xử với quân cán chính VNCH, với người nhà của họ là quá khắc nghiệt, nói đúng là ác độc và vô nhân. Điều ấy dẫn tới việc vượt biển ra đi, khiến bao mạng người chết đói, bị hãm hiếp, bị giết chóc dã man. Máu và nước mắt của người Việt đã làm biển Đông mặn chát và đỏ loà. Lòng Mẹ Việt chắc phải quặn thắt đau đớn vô cùng.

Việc làm tiếp theo là cần tu bổ lại nghĩa trang của VNCH, cần có một sự giúp đỡ với những thương phế binh của bên thua cuộc. Tất nhiên không thể bằng cách đối xử với thương phế binh của bên thắng cuộc nhưng một chút để thể hiện tấm lòng, ấy là điều cần thiết.

Tiếp nữa là nên có một tượng đài thể hiện sự cảm thông, chia sẻ nỗi đau với sự mất mát của thuyền nhân.

Trách nhiệm thuộc về bên thắng cuộc và đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chỉ khi những người có địa vị cao nhất, là người có tâm, có tầm, có cái nhìn nhân văn, thực sự tha thiết hàn gắn nỗi đau của người Việt thì mới hy vọng cái sự nghiệp hòa hợp hòa giải dân tộc được tiến triển.

Không có chính sách cụ thể, hành động cụ thể thì mọi lời nói đều là đầu môi chót lưỡi, chẳng hòa, chẳng hợp được gì đâu!

Đoàn Bảo Châu