Nguyễn Xuân Phúc thành trò cười vì ra lệnh về đào rừng và giá thịt heo

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần gây cười vì phát ngôn mang tính dân túy. Courtesy of VietnamBiz
Nghe đọc bài

Các mệnh lệnh mới nhất của người đứng đầu Chính phủ CSVN cho thấy ông này thiếu hẳn tầm nhìn lãnh đạo, trong lúc không có được đội ngũ trợ lý đủ năng lực tham mưu về quốc kế dân sinh.  

Hôm 26/12/2020, trong một hành động hiếm hoi, một số báo nhà nước đã phải đăng bài “nói lại”, liên quan đến một chỉ thị của Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc.

“Làm gì có đào rừng mà bán!”

Một ngày trước, Thủ tướng Phúc được các báo dẫn lời: “Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm.”

“Ngày Tết, đi trên các bờ đê, đường phố sẽ thấy nhiều cây đào rừng đẹp bị chặt mang về bày la liệt, bán không được thì làm củi. Như vậy làm sao còn một nông thôn, miền núi với những cánh rừng đẹp. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết,” ông Phúc được báo VnExpress dẫn lời.

Tuy vậy, phát ngôn của ông Phúc lập tức khiến dân mạng tranh cãi và cười cợt vì theo họ, Việt Nam không còn “đào rừng”, vì hầu hết cành, cây đào bán trên đường phố đều được trồng trong vườn.

Ngay cả các báo nhà nước cũng phải thừa nhận cây đào bán dịp Tết ở Hà Nội không phải là đào rừng. Courtesy of VietnamNet

Báo VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời ông Tô Mạnh Tiến, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai: “Lào Cai không có đào rừng. Lâu nay mọi người vẫn thấy bà con vùng cao mang đào xuống phố bán thực chất đều là đào được trồng trong vườn hộ gia đình.

Chúng ta cứ gọi là đào rừng, còn tôi 30 năm nay ở Lào Cai chưa từng thấy đào rừng thật bao giờ.”
Vị này cho biết thêm: “Đào trồng trong rừng sản xuất có thì cũng rải rác rất ít, vì khai thác, vận chuyển cành đào từ trên rừng xuống vừa cao, vừa xa, vừa cồng kềnh nên bà con không mặn mà.”

Nhà báo Nguyễn Thành Phong bình luận: “Những ai tham mưu cho thủ tướng việc này là không hiểu gì về đào rừng cả! Tôi đã sống rất lâu ở rừng núi Tây Bắc, xin nói luôn là không có đào rừng và cũng không có rừng đào. 

“Từ những vườn đào người ta trồng, chỉ toàn là đào hay mận thôi, ở trên một sườn đồi hay chân một thung lũng. Có vườn tồn tại khá lâu, thì gọi là vườn đào cổ, như ở Sa Pa ấy. Và tên gọi cho đúng là vườn đào, vườn đào ở miền rừng, chứ không phải là rừng đào nhé.”

“Nếu phát triển tốt việc chơi hoa đào từ rừng, thì sẽ làm sinh động thêm thị trường hoa Tết, lại thêm một nguồn thu nhập nhỏ cho đồng bào và làm phong phú thêm kiểu loại kinh doanh từ trồng cây hoa quả ở vùng miền núi phía Bắc.”

“Cơ chế thị trường mà cứ ra lệnh suông”

Trong một chỉ thị khác, ông Phúc được các báo nhà nước trích lời: “Tết này làm sao để giá thịt heo không cao? Nếu để giá thịt heo tăng vọt lên, CPI cũng tăng, mà trong rổ giá chung thì thịt heo chiếm 70%. Vậy giải pháp nào để dự báo chính xác? Năm nay, làm sao thịt heo Tết này không được giá cao.”

Đây không phải lần đầu, Thủ tướng Phúc ra lệnh về giá thịt heo, dù trên thực tế, giá thịt tại các chợ, siêu thị ở Việt Nam không hề giảm trong cả năm qua. Điều oái oăm là cứ vài tháng, báo đảng lại viết: “Thủ tướng nhấn mạnh phải kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống dưới 60.000 đồng/kg trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.”

Nhà cầm quyền CSVN đòi các nước phương Tây công nhận kinh tế thị trường nhưng lại muốn can thiệp vào cung-cầu thị trường, Courtesy of VnExpress

Báo điện tử VTC News hồi tháng 5/2020 viết: “Vì sao thủ tướng càng chỉ đạo giảm, giá heo càng tăng? Dù thủ tướng sớm chỉ đạo các bộ ngành liên quan phải hạ nhưng giá thịt heo hơi ngày càng tăng, vậy trách nhiệm thuộc về ai?”

Báo này cũng dẫn bình luận của ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế: “Nguyên nhân thịt heo tiếp tục tăng, cơ bản là do cung cầu là chính. Cơ chế cung cầu sẽ hình thành giá cả trên thị trường, trong khi đó đây là mặt hàng Nhà nước không tham gia định giá.”

Liên quan vấn đề này, ôg Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát, nhận định: “Cơ chế thị trường mà cứ ra lệnh suông thì làm sao hiệu quả được. Hơn 30 năm [kể từ thời điểm “Đổi mới”] mà vẫn chưa thuộc bài học vỡ lòng.”

Ông Ngô Quý Nhâm, chuyên gia Tư vấn Chiến lược cấp cao, nhận xét trên trang cá nhân về việc bộ trưởng Nông nghiệp CSVN chỉ thị giảm giá thịt heo theo lệnh của thủ tướng: “Biết là giá thịt heo cao nhưng luật nào cho ông cái quyền yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá thịt lợn? Làm thế chỉ uổng công ông thủ tướng năm nào cũng cạy cục các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn