Liên Âu công bố chiến lược thương mại mới : Trọng tâm là cải cách WTO, bảo vệ môi trường

Nghe đọc bài

Hôm qua, 18/02/2021, Ủy Ban Châu Âu công bố chiến lược thương mại mới cho thập niên 2021 – 2030. Trọng tâm sẽ là cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tiêu chuẩn về môi trường và khí hậu.

Trả lời báo giới, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách Thương Mại, ông Valdis Dombrovskis, chính trị gia người Latvia, khẳng định, đối mặt với các thách thức sau đại dịch, « chính sách thương mại (của Liên Âu) cần hậu thuẫn triệt để cho công cuộc chuyển đổi về sinh thái và phát triển kỹ thuật số của nền kinh tế ». Theo phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, khối 27 nước cũng mong muốn dẫn đầu trong « các nỗ lực toàn cầu » nhằm cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, việc tái cân bằng các trao đổi thương mại toàn cầu cần được tiến hành thông qua việc « cải cách sâu sắc » WTO. Định chế này có 164 thành viên, đang bị tê liệt vì Hoa Kỳ ngăn cản vận hành của tổ chức với lý do có các bất đồng với Trung Quốc. Ủy Ban Châu Âu khẳng định, việc WTO có tân tổng giám đốc (kinh tế gia người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala) vào đầu tháng 3 tới, là một cơ hội thuận lợi cho việc khởi đầu cải cách.

Trong chiến lược thương mại cho thập niên tới, Ủy Ban Châu Âu muốn các thỏa thuận thương mại trong tương lai tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Hiện tại, việc phê chuẩn hiệp định mậu dịch tự do giữa châu Âu và khối Mercosur (ở Nam Mỹ), đang bị đình hoãn, do nhiều nước châu Âu lo ngại hiệp định này sẽ làm gia tăng nạn phá rừng quy mô lớn tại vùng Amazon ở Nam Mỹ. Bruxelles cũng muốn khẳng định vị thế độc lập về thương mại, đối diện với hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, qua việc cổ vũ cho cơ chế đa phương, đặc biệt với hai đối tác chính là Ấn Độ và châu Phi.

Chống « lao động cưỡng bức »

« Chống lao động cưỡng bức » cũng là một trọng tâm khác trong chiến lược thương mại mới của Ủy Ban Châu Âu. Bruxelles cam kết sẽ thiết lập các cơ chế để bảo đảm là trong các thỏa thuận thương mại với châu Âu, các doanh nghiệp không được phép sử dụng « lao động cưỡng bức ». Chống « lao động cưỡng bức » trong các thỏa thuận thương mại giữa Liên Âu và các đối tác, trước hết là Trung Quốc, đang trở thành vấn đề thời sự hàng đầu.

Hiện tại Nghị Viện Châu Âu chưa phê chuẩn thỏa thuận về nguyên tắc bảo hộ đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc, được Bruxelles ký kết cuối tháng 12/2020. Hôm 27/01, Ủy Ban Pháp Luật của Nghị Viện Châu Âu vừa thông qua một đề xuất liên quan đến việc chống « lao động cưỡng bức », do đảng Xanh, các đảng cánh tả xã hội – dân chủ và Renew, liên minh các đảng Dân chủ – Tự do châu Âu, chủ trì. Đề xuất này sẽ phải được thảo luận tại Nghị Viện Châu Âu vào tháng 3 tới.

Ngay sau khi Ủy Ban Pháp Luật của Nghị Viện Châu Âu thông qua đề xuất này, hơn 10 hiệp hội bảo vệ nhân quyền, trong đó có Ân Xá Quốc Tế, Oxfam châu Âu, liên minh quốc tế chống nô lệ, đã ra thông báo hoan nghênh quyết định được đánh giá là « đi theo hướng đúng » này. Thỏa thuận bảo hộ đầu tư về nguyên tắc giữa Bruxelles và Bắc Kinh khiến giới bảo vệ nhân quyền lo ngại là sẽ khiến cho tình trạng đàn áp tàn bạo tại Trung Quốc, đặc biệt tại khu vực Tân Cương gia tăng. Tân Cương là nơi có đến cả triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang bị chính quyền Trung Quốc giam cầm và cưỡng bức lao động, theo cáo buộc của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Theo RFI