Hà Nội chặn báo Đức sau bài về vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Bài viết về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên báo Taz
Nghe đọc bài

Tờ Taz hôm 6/8 công bố một bài điều tra của nhà báo Marina May, trong đó nói rằng “Các mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một quan chức phản bội ở Berlin” và rằng “giờ đây một phụ nữ phải đối mặt với số phận tương tự”.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án Việt Nam chặn trang mạng của báo Taz sau khi tờ báo Đức đăng bài viết về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị Việt Nam truy nã, được cho là đang sống ở Đức và có nguy cơ bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc.

Tổ chức chuyên bảo vệ cho tự do báo chí toàn cầu có trụ sở ở Pháp cho biết rằng chính quyền Việt Nam “rõ ràng đã chặn trang web của nhật báo Taz”. Trong tuyên bố đưa ra hôm 8/8, RSF nói rằng họ đưa ra nhận định như vậy dựa trên các nguồn tin và đánh giá của họ.

Theo RSF, trang mạng của Taz bị chặn ở Việt Nam sau khi tờ báo này đăng bài điều tra về “một vụ bắt cóc có thể sắp được mật vụ Việt Nam tiến hành tại Đức”, nơi mà cách đây 6 năm ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam lúc đó đang bị truy nã, cũng được cho là bị bắt cóc đưa trở về Việt Nam.

Hôm 22/8, trang web của báo Taz vẫn không truy cập được ở Việt Nam nếu không dùng phần mềm vượt tường lửa như VPN.

Tờ Taz hôm 6/8 công bố một bài điều tra của nhà báo Marina May, trong đó nói rằng “Các mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một quan chức phản bội ở Berlin” và rằng “giờ đây một phụ nữ phải đối mặt với số phận tương tự”.

Bài báo này tiết lộ rằng bà Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC và được cho là có vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam từ nước ngoài, đã đến sinh sống ở Đức trong vài tháng qua. Vẫn theo điều tra của Taz, Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, người bị kết án vắng mặt với bản án hàng chục năm tù, lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan của chính phủ Đức từ chối.

Tờ Taz dẫn lời Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo rằng họ “sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”.

Đức cho rằng ông Thanh, cựu chính trị gia và từng là chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hồi tháng 7/2017 khi đang xin tị nạn tại quốc gia châu Âu này mặc dù Việt Nam nói rằng ông Thanh tự về “đầu thú”. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sau đó bị đình trệ một thời gian vì vụ việc trước khi được nối lại. Ông Thanh bị Việt Nam tuyên án tổng hợp tù chung thân vào năm 2018 với các tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước” và “tham ô tài sản”.

Còn bà Nhàn bị một tòa án ở Hà Nội xét xử vắng mặt hồi tháng 1 năm nay và bị tuyên tổng cộng 30 năm tù với các cáo buộc “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với mức thiệt hại 152 tỷ đồng.

Việt Nam hôm 16/8 nói rằng họ quyết tâm “dẫn độ bằng được” những người bỏ trốn như bà Nhàn về nước ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà người đó đang cư trú.

“Chế độ Việt Nam đang trấn áp một cách có hệ thống đối với các thông tin quan trọng cả trong và ngoài nước thông qua việc sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau”, bà Helene Hahn, chuyên vận động cho Tự do Internet của RSF ở Đức, nói trong tuyên bố. “Chúng tôi cực lực lên án việc chặn trang web Taz, điều cho thấy chế độ Hà Nội sợ điều tra phản biện”.

(Theo VOA)