‘Gia tài của mẹ, một bọn lai căng’

Ca sĩ Khánh Ly và một khán giả lớn tuổi ở Đà Lạt
Nghe đọc bài

Một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận rằng việc chính quyền hành xử với tiết mục “Gia Tài Của Mẹ” do ca sĩ Khánh Ly hát ở Đà Lạt dẫn tới “bò đỏ” húc tán loạn làm trò cười cho dư luận trong nước và quốc tế.

Ca sĩ Khánh Ly là người nổ phát súng đầu tiên vào cái “hủ tục” cấp phép bài hát của chính quyền. Đáng gọi là hủ tục, bởi vì nó vô ích và hình thức.

Vài chục năm trước, khi mà nhà nước có thể kiểm soát được đám đông nghe nhạc vì các buổi biểu diễn, ghi âm, phát thanh, truyền hình đều do nhà nước quản lý. Nhưng cũng vài chục năm trước, kể từ khi đổi mới, họ đã không thể kiểm soát thị trường băng đĩa nhạc từ hải ngoại chuyển về và đến nay thì hoàn toàn mất kiểm soát âm nhạc đến từ Internet. Nhạc từ Internet mới là nguồn nhạc phổ biến nhất hiện nay.

Hiện nay nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn có một số bài chưa được cấp phép như “Gia Tài Của Mẹ” và “Cho Một Người Nằm Xuống”. Hôm 25/6 vừa qua, bà Khánh Ly đã nổ súng chống hủ tục nói trên và cơ quan chức năng, bao gồm cả An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”!

Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em “bò đỏ” thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích.

Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng.

Về nguyên tắc thì cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt hành chính đơn vị tổ chức biểu diễn theo quy định của pháp luật thôi chứ không cấm được chuyến lưu diễn của Khánh Ly. Đây lại vẫn là thủ pháp PR tốt cho chuyến lưu diễn, vì bà lại lên sóng. Có thể sẽ lọc bớt đám “bò đỏ” đi nghe, nhưng bọn đó đâu có đông đâu mà sợ. Những bài hát dạng này thì cả người thiện lành cũng chả thấy có gì ghê gớm cả, họ vẫn dám nghe công khai hàng ngày.

Mình thấy rất tiếc là phim Em và Trịnh không thể có bài “Gia Tài Của Mẹ”, bởi vì bài này khắc họa rõ nét con người của Trịnh, con người phản chiến. Có lẽ bài hát này có lời nhạy cảm nhất trong số các bài hát của Trịnh.

“Hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn

Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.”

Mình đánh giá đây là một trong những bài hát ý nghĩa chính trị xã hội nhất của Trịnh, nó thể hiện con người chính trị của Trịnh cùng với bài Nối vòng tay lớn. Bộ phim “Em và Trịnh” luôn nhắc tới đề tài phản chiến nhưng lại không thể đưa bài hát này vào là rất đáng tiếc. Chắc chắn cũng do kiểm duyệt mà thôi. Giá mà đạo diễn có bản director cut để “rò rỉ” ra ngoài thì hiệu ứng lan tỏa sẽ tốt hơn là quăng ra tận hai bộ phim rồi lại tự bỏ đi một bản cắt.

Bài hát được sáng tác năm 1965, khi người Mỹ mới chính thức đổ quân vào VNCH. Nhưng Trịnh đã có tiên đoán 20 năm nội chiến từng ngày, kể ra cũng thánh phết. Bởi nếu tính thời điểm “nội chiến” thật sự thì cuộc chiến diễn ra từ 1955 (thành lập VNCH) đến 1975 là đúng 20 năm.

Anh em “bò đỏ” phẫn nộ nhất là ở câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Nếu suy xét chi ly thì cuộc chiến 20 năm theo thời gian trên thì không hoàn toàn là nội chiến mà vừa là nội chiến vừa là cuộc chiến ủy nhiệm. Ủy nhiệm là hai miền đánh nhau dưới sự giật dây, tài trợ của hai phe nước ngoài.

Nhưng nếu xét thời điểm 1965, khi Mỹ mới chỉ đổ quân thì cuộc chiến ủy nhiệm chưa hề rõ nét mà mới có 10 năm thực sự là nội chiến do hai bên mới chỉ có cố vấn nước ngoài trợ giúp và không tham chiến. Đấy là nếu xét theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.” Đánh giá nội dung một tác phẩm nghệ thuật thì phải đặt nó đúng ở thời điểm sáng tác chứ?

“Bò đỏ” còn cãi gì nữa?

Cuộc chiến này chính phía VNCH cũng không coi là nội chiến vì sự can thiệp của phe XHCN vào VN, họ coi là miền Bắc xâm lược miền Nam. Về lý thì chính quyền VNCH cũng không ủng hộ phong trào phản chiến kiểu cào bằng hai phe, trong khi miền Bắc là bên chủ động tấn công miền Nam.

Như phim Đất khổ do Trịnh đóng, dựa trên truyện Giải khăn sô cho Huế, cũng bị chính quyền VNCH hạn chế phát hành năm 1974, vì tính phản chiến kiểu này. Nhưng bài hát “Gia Tài Của Mẹ” lại không hề bị cấm ở miền Nam, cho thấy là chế độ cũ tự do hơn bây giờ rất nhiều.

Nhân vụ việc không đáng xảy ra vừa rồi, rất mong anh em quan lại nhanh chóng từ bỏ hủ tục quá lạc hậu kia đi vì nó chỉ còn tính hình thức và vô nghĩa, thẩm chí phản tác dụng. Chính quyền hành xử như vậy mới dẫn tới “bò đỏ” húc tán loạn làm trò cười cho dư luận trong nước và quốc tế.

Đúng là “Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn.”

Dương Quốc Chính

Bài liên quan

Hành xử vô pháp của Sở Văn Hóa Lâm Đồng với ‘Gia Tài Của Mẹ’

Dư luận viên nổi điên vì Khánh Ly hát ‘Gia Tài Của Mẹ’ ở Đà Lạt