Công luận ‘ngán ngẩm’ vì báo đảng ‘nâng bi’ ‘tam trụ’ 

Tân thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính (phải) được báo đảng dành nhiều mỹ từ ca ngợi. Courtesy of Zing

Sau khi hoàn tất màn sắp đặt “tam trụ”, việc báo nhà nước liên tiếp đăng bài ca tụng ba vị lãnh đạo “từng là học sinh giỏi, con nhà nghèo, nhớ ơn thầy cô cũ” khiến công luận “mệt mỏi” vì mô tuýp này quá sáo mòn.

Hôm 6/4/2021, một ngày sau khi nhà cầm quyền CSVN sắp đặt xong ghế “tam trụ” dành cho các ông Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc và Vương Đình Huệ, truyền thông nhà nước được lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương cấp tập đăng bài ca ngợi ba vị này.

Mẫu số chung “con nhà nghèo, hiếu học”

Về tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, báo Giao Thông đăng bài “Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành thủ tướng”. Bài báo dẫn lời bà Hà Thị Việt, được cho là chị họ của ông Chính: “Từ năm 1963, khi cậu Chính được 5 tuổi thì theo bố mẹ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nhà nghèo nhưng mấy anh em Chính ai cũng học giỏi cả. Lúc nhỏ, chị em còn hay gặp nhau, nhưng sau này, do công tác bận rộn nên thỉnh thoảng cậu Chính mới có điều kiện về quê. Dù vậy nhưng tình cảm chị em lúc nào cũng như xưa…”

Tiếp đó, ông Trịnh Quốc Phượng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, được dẫn lời: “Bận rộn với công việc nhưng bác Chính vẫn hay sắp xếp về quê, dù ít khi nán lại lâu được. Mỗi lần về, bác đều hỏi han tình hình phát triển kinh tế của địa phương, cuộc sống của bà con và động viên anh em chúng tôi ra sức làm việc để địa phương vững mạnh.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc (giữa) được báo VietnamNet ca ngợi là đi ăn phở và “tự trả tiền”. Courtesy of VietnamNet

Các chi tiết “là con nhà nghèo, hiếu học, biết ơn thầy cô cũ” cũng được các báo khác như Dân Việt… áp dụng để ca ngợi tân Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Xuân Phúc và tân Chủ tịch Quốc Hội CSVN Vương Đình Huệ.

Về ông Phúc, báo VietnamNet của Bộ Thông tin Truyền thông CSVN kể rằng trong một lần đi ăn phở ở quán lề đường tại quận Tân Phú, Sài Gòn, ông này “xem kỹ từng cái bát để xem đã sạch chưa, hỏi cách nấu phở, rồi mời cả đoàn ngồi xuống ăn” rồi sau đó “trả tiền ăn sáng, uống cà phê cho cả đoàn”.

“Kịch bản cũ, đào kép mới”

Nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên tờ Thanh Niên, bình luận: “Ôi dào, ông bà nào lên cũng thế thôi. Tôi từ bé sống với họ nên chả lạ gì. Trong gầm thể chế này, đó chỉ là kịch bản cũ thay bằng đào kép mới. Lâu lâu lại thay cho vui ấy mà.

Dân chúng đang bị đọc mệt nghỉ những bài dạng “đèn đom đóm” [ám chỉ bài ca tụng ông Vương Đình Huệ khi còn là học sinh] trên báo mậu dịch. Sáng nay mở ra thấy tràn ngập về thời xưa cũ của tân tam trụ. Khiếp!

Ông Vương Đình Huệ (phải) diễn cảnh xuống đồng cấy lúa tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, hồi tháng 2/2021. Courtesy of Tien Phong

Chỉ mong các vị ấy diễn nhanh cho xong, hạ màn để dân chúng được trở về “cuộc sống bình thường mới”.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Bảo, doanh nhân ở Sài Gòn, bình luận về tân thủ tướng: “Ở Việt Nam làm thủ tướng không liên quan gì đến chuyên môn đào tạo mà dựa trên thế lực chính trị và quan hệ chính trị. Từ y tá hay trước kia là nhà thơ vẫn có thể làm thủ tướng mà.” 

Ông Mạc Văn Trang, vị trí thức nổi bật trong giới xã hội dân sự, thì nhắn gửi tân Chủ tịch nước Phúc: “Chủ tịch hãy dùng quyền lực của mình, sửa sai vụ án Hồ Duy Hải và vụ án Đồng Tâm đi! Hai vụ án đó trái pháp luật, trái đạo lý, lòng dân rất bức xúc. Chính ông cũng đã nói khi tiếp xúc cử tri ở Đồ Sơn, Hải Phòng rằng: “Vụ án Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai quy định của pháp luật”. Từ cái sai nhỏ dẫn đến cái sai lớn và rồi dẫn đến tội ác. Vậy bây giờ là lúc chủ tịch có quyền trong tay để sửa sai hai vụ án nhức nhối này.

Chủ tịch đã đặt tay lên Hiến pháp để thề, vậy chủ tịch hãy quyết tâm thực hiện lời thề đó bằng cách chỉ đạo, giám sát các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải thượng tôn và thực hiện đúng những Điều ghi trong Hiến pháp, đặc biệt là Chương II của Hiến Pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn