Công luận bất bình vì Nguyễn Phú Trọng ‘khúm núm’ ở Bắc Kinh

Nguyễn Phú Trọng bắt tay với phận làm tôi tớ cho Bắc Kinh
Nghe đọc bài

Ý kiến của giới quan sát nói Nguyễn Phú Trọng “sang thăm một nước láng giềng lớn để giữ hòa hiếu, tăng cường quan hệ, hay thậm chí để xin khất nợ hay vay thêm nợ trong lúc ngân sách trống rỗng, ngoại tệ không còn, thì chí ít trước bàng dân thiên hạ cũng phải thể hiện cho nó dễ coi”. 

Sau khi báo đảng hôm 31/10 đăng loạt ảnh cho thấy Nguyễn Phú Trọng “tay bắt mặt mừng” với Tập Cận Bình, công luận dấy lên bàn tán.

Ông Nguyễn Huy Vũ bình luận: “Sang khấu đầu. Để ý cách ông Trọng bắt hai tay khúm núm, cười bợ đỡ, đứng chàng hảng trong khi ông Bình bắt một tay đứng nghiêng người. Sang thăm một nước láng giềng lớn để giữ hòa hiếu, tăng cường quan hệ, hay thậm chí để xin khất nợ hay vay thêm nợ trong lúc ngân sách trống rỗng, ngoại tệ không còn, thì chí ít trước bàng dân thiên hạ cũng phải thể hiện cho nó dễ coi. Sau khi sang khấu đầu thì báo chí Trung Quốc cho chạy quảng cáo giới thiệu Việt Nam.”

Cùng thời điểm, RFA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Paris: “Chuyến đi của ông Trọng ngay sau khi ông Tập tái cử với tập quán vua một triều đại của Việt Nam sai sứ sang Trung Quốc, thể hiện sự thần phục đối với thiên triều của một phiên bang thời xa xưa.”

Ông Tuấn viết trên trang cá nhân: “Trọng vương tự đày đọa tấm thân (trong chuyến đi xa) chỉ để chứng minh rằng mình là một trong những người trung thành nhứt với Tập đại đế.”

Ông còn nói Việt Nam đã, đang và sẽ rập khuôn mô hình của Trung Quốc và “thay vì nhân dân là mục tiêu trung tâm để Đảng phục vụ thì Đảng trở thành mục tiêu trung tâm để nhân dân phụng sự.”

Cách so sánh này cũng đã được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn viết trong một nghiên cứu trước đó vào năm 2016.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.

Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa băng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

Nhà văn Lưu Trọng Văn, thì cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay nên cân bằng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trên trang Facebook của mình, nhà văn Lưu Trọng Văn cũng nhắc lại trong tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump cũng mời ông Trọng sang Mỹ. Lúc đó ông Trọng cũng vui vẻ nhận lời nhưng rồi cũng vì lý do sức khoẻ nên ông Trọng không thực hiện được.

“Bây giờ ông Trọng khỏe rồi, rất tiếc ông Trump lại về vườn, ông Trọng không thể đáp lễ như đáp lễ ông Tập được.

Hy vọng Bộ Ngoại giao sớm ra thông báo, Tổng thống Biden tiếp tục giữ lời mời của ông Trump mời ông Trọng qua Mỹ để cán cân đối ngoại của Việt Nam không bị lệch như đường lối lâu nay mà lãnh đạo Hà Nội vẫn tuyên bố.”

Theo nhà văn này thì ông Trọng nên mở lời trước muốn được gặp ông Biden với nội dung như ông mở lời trước muốn gặp ông Tập.

“Dân Việt hình như không được công bằng lắm, đa số chắc sẽ hớn hở hơn nếu lãnh đạo tối cao của mình có lời với Tổng thống Mỹ như đã có lời với lãnh tụ Trung Hoa,” nhà văn Lưu Trọng Văn bổ sung.

Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ “Đối tác toàn diện.” Washington thời gian qua đã nhiều lần đề nghị đưa mối quan hệ này lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” nhưng Hà Nội chưa đồng ý. Một số nhận định của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam còn ngần ngại vì sợ làm Bắc Kinh tức giận.