Chính quyền TP.HCM ép học sinh tập xử án tội ‘lợi dụng tự do dân chủ’

Nghe đọc bài

Nhà cầm quyền CSVN đại kỵ tất cả các loại thông tin phê phán, đụng chạm tới hình ảnh lãnh tụ, chính sách nhà nước. Khi những thứ này được nhiều người chuyền đi trên mạng xã hội, kèm theo những lời bình phẩm, chỉ trích, đều không được tha thứ, hoặc coi như sự phê bình trái chiều bình thường trong một xã hội dân chủ để bỏ qua. Nó phải dẫn tới đe nẹt, cấm đoán. Cấm đoán không được thì bỏ tù.

Nhà cầm quyền CSVN tổ chức một phiên tòa giả định tại một trường trung học ở Sài Gòn xử vụ án cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” nhằm đe dọa học sinh.

Nhiều báo tại Việt Nam ngày 27 Tháng Hai đưa tin tòa án thành phố Thủ Đức, Sài Gòn, phối hợp với trường trung học phổ thông Thủ Thiêm “tổ chức một phiên tòa giả định, xử tội người bị cáo buộc vi phạm điều 331 Luật Hình Sự.”

Hiến pháp CSVN điều 25 công nhận “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Nhưng lại buộc chặt lại khi viết là các quyền đó chỉ được thực hiện theo “quy định của pháp luật”. Từ đó, đẻ ra điều luật hình sự 331 kết án đến bảy năm tù những ai bị quy chụp cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Điều luật này cùng một số điều luật hình sự khác của CSVN bị Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là mơ hồ, giải thích thế nào cũng được, chỉ nhằm bỏ tù bất cứ ai bị vu cho tội “phản động,” “chống phá” chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.

Phiên tòa giả định tổ chức tại trường trung học phổ thông Thủ Thiêm có nội dung tương tự những vụ bắt bỏ tù nhiều người trước đây với cáo buộc vi phạm điều 331.

Bản án theo tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” nhẹ hơn nhiều so với điều 88 là “tuyên truyền chống nhà nước…” với bản án có thể đến 20 năm tù. Hoặc theo điều 117 “làm, tàng trữ, phát tán hoặc thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống chế độ cũng bị tới 20 năm tù.

Phiên tòa giả định nhằm đe dọa giới thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội phát biểu những điều bị coi là “chống phá” chế độ được tổ chức chỉ vài ngày sau khi công an bắt giam nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gon Giải Phóng và một số người bị cáo buộc theo điều 331.

Bà Hàn Ni và bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty Đại Nam, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội rồi cuối cùng cả hai đều bị bắt với cùng một tội danh.

Nhưng phiên tòa giả định đe nẹt học sinh Thủ Thiêm không “giả định” chuyện bôi bẩn lẫn nhau, dựng đứng những chuyện không có thật của đời tư cá nhân, mà là “tán phát nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước lên các hội nhóm trên Facebook, thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục”.

Nhà cầm quyền CSVN đại kỵ tất cả các loại thông tin phê phán, đụng chạm tới hình ảnh lãnh tụ, chính sách nhà nước. Khi những thứ này được nhiều người chuyền đi trên mạng xã hội, kèm theo những lời bình phẩm, chỉ trích, đều không được tha thứ, hoặc coi như sự phê bình trái chiều bình thường trong một xã hội dân chủ để bỏ qua. Nó phải dẫn tới đe nẹt, cấm đoán. Cấm đoán không được thì bỏ tù.

Phiên tòa giả định diễn tiến theo trình tự như đã từng diễn ra trong thực tế khi coi bị cáo là “nguy hiểm” vì “xâm phạm lợi ích” về chính trị, kinh tế của chế độ, vì cố ý lập đi lập lại trong một thời gian dài. Kết quả phiên tòa là kẻ bị lôi ra tòa bị kết án nhằm làm gương cho người khác sợ, không còn can đảm đòi hỏi tự do, nhân quyền gì cả. Luật sư biện hộ dù có giỏi đến đâu cũng không có tác dụng.

Không thấy có thống kê nào cho biết có bao nhiêu học sinh sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là bàn luận, trao đổi về các vấn đề thời sự. Có thể là ít nhưng phiên tòa giả định được tổ chức có vẻ như răn đe trước một khuynh hướng suy nghĩ của học sinh trước khi nó lan rộng.

(Theo Người Việt)