Biểu tình hàng vạn người chống bạo lực súng đạn ở Washington

Tổ chức March for Our Lives (MFOL) ước tính 40.000 người đã tập trung tại công viên quốc gia gần Tượng đài Washington vào ngày 11/6
Nghe đọc bài

Hàng trăm cuộc tuần hành cũng diễn ra trên khắp nước Mỹ, trong đó hàng ngàn người đã tham gia biểu tình phản đối bạo lực súng đạn ở thành phố New York.

Hàng vạn người biểu tình đổ về Washington và nhiều địa điểm khác trên khắp nước Mỹ vào ngày 11/6 để phản đối nạn bạo lực súng đạn sau nhiều vụ xả súng chấn động.

Tổ chức March for Our Lives (MFOL) ước tính 40.000 người đã tập trung tại công viên quốc gia gần Tượng đài Washington vào ngày 11/6, để yêu cầu các nhà lập pháp thông qua đạo luật hạn chế súng đạn. Tổ chức này được thành lập bởi những học sinh sống sót sau vụ thảm sát năm 2018 tại một trường trung học ở Parkland, Florida.

Những người biểu tình mặc áo của MFOL tập trung tại công viên quốc gia ở Washington, mang theo tấm biển với dòng chữ “hãy bảo vệ trẻ em, thay vì súng”.

Người biểu tình đặt 45.000 bình hoa trắng tại khu vực, tượng trưng cho số người thiệt mạng bởi súng đạn tại Mỹ trong năm 2020. Hàng trăm cuộc tuần hành cũng diễn ra trên khắp nước Mỹ, trong đó hàng ngàn người đã tham gia biểu tình phản đối bạo lực súng đạn ở thành phố New York.

David Hogg, người sống sót sau vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas năm 2018 ở Parkland, Florida, và là người sáng lập phong trào MFOL, bày tỏ sự cảm thông với gia đình nạn nhân trong vụ xả súng ở Parkland

Bà Courtney Haggerty, một thủ thư 41 tuổi, từ Lawrenceville, New Jersey, đã đến Washington cùng con gái Cate, 10 tuổi và con trai Graeme, 7 tuổi, để tham gia cuộc biểu tình. Bà Haggerty cho biết vào tháng 12/2012, vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, cướp đi sinh mạng của 26 người, chủ yếu là học sinh 6-7 tuổi, xảy ra chỉ một ngày sau sinh nhật đầu tiên của con gái bà.

Bà Kay Klein, 65 tuổi, một giáo viên về hưu đến từ Fairfax, Virginia, tham gia cuộc biểu tình ở Washington, nói rằng người Mỹ nên bỏ phiếu loại các chính trị gia từ chối hạn chế súng đạn trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. “Nếu thực sự quan tâm đến trẻ em và gia đình, chúng ta cần bỏ phiếu bất tín nhiệm”, bà nói.

Bạo lực súng đạn đã khiến hơn 19.300 người thiệt mạng tại Mỹ kể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của tổ chức Gun Violence Archive. Vấn đề không chỉ giới hạn trong những vụ xả súng, khi hơn một nửa số người chết là do tự sát.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 cho biết ông sẽ thảo luận với Quốc hội về vấn đề kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, nước Mỹ vốn tràn ngập súng đạn và quyền sở hữu súng được ghi trong hiến pháp khiến ông Biden cũng như đảng Dân chủ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nếu muốn quốc hội thông qua ngay cả những quy định hạn chế súng đạn khiêm tốn nhất.

Khả năng cấm các loại súng trường bán tự động kiểu AR-15 ở Mỹ cũng rất thấp. Đây là mẫu súng được dùng trong các vụ xả súng ở Texas và New York gần đây, nhưng cũng là loại súng cực kỳ phổ biến với dân Mỹ vì dễ dùng, kiểu dáng đẹp.

Tổng thống Mỹ ủng hộ lệnh cấm súng trường tấn công, nhưng tới nay vẫn không nhận đủ sự ủng hộ từ phe Cộng hòa tại Thượng viện. Ngay cả đề xuất ít gây tranh cãi hơn của ông là tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng cũng có thể không được Thượng viện thông qua.