Belarus đào vực thẳm với châu Âu khi ép máy bay hạ cánh

Nghe đọc bài

Việc Belarus ép máy bay dân sự hạ cánh để bắt nhà báo đối lập khiến phương Tây giận dữ, mở ra vực thẳm mới trong quan hệ đôi bên.

Belarus ngày 23/5 điều tiêm kích buộc một phi cơ của hãng hàng không Ryanair hạ cánh khẩn cấp để bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega. Máy bay của Ireland lúc bấy giờ đang từ Athens, Hy Lạp, tới thủ đô Vilnius của Litva, nhưng buộc phải đáp xuống thủ đô Minsk của Belarus khi bay qua không phận nước này.

Protasevich, 26 tuổi, từng làm việc cho hãng tin Ba Lan Nexta và đã phát nhiều hình ảnh biểu tình phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko qua ứng dụng Telegram. Anh bị truy nã tại Belarus với cáo buộc khủng bố, tổ chức bạo loạn và kích động thù ghét xã hội, nhưng bác bỏ những cáo buộc này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi việc làm của Belarus là “hành động gây sốc”, yêu cầu nước này lập tức trả tự do cho Protasevich.

Litva, quốc gia mà Protasevich đang lưu trú, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và NATO nhanh chóng đưa ra phản ứng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố những người chịu trách nhiệm trong vụ “không tặc” máy bay châu Âu này phải bị trừng phạt.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng việc Belarus can thiệp ép máy bay hạ cánh là hành động nguy hiểm và nghiêm trọng, cần đến một cuộc điều tra quốc tế.

“Việc EU không hành động hay không đưa ra quyết định nào sẽ bị Belarus coi là yếu đuối”, Simon Coveney, ngoại trưởng Ireland, nhấn mạnh.

EU hôm 25/5 nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt hiện có với Belarus và thực hiện các biện pháp cấm vận mới nhắm vào kinh tế. Chi tiết về các lệnh trừng phạt sẽ được nêu rõ trong vài ngày tới. Mặt khác, EU cũng đồng ý cấm các hãng hàng không Belarus đi vào không phận châu Âu và yêu cầu các hãng hàng không châu Âu tránh không phận Belarus.

Ryhor Astapenia, nhà phân tích từ Chương trình Nga và Á – Âu tại Chatham House, nhận định những biện pháp mới nhất này là phản ứng trực tiếp của châu Âu đối với hành động của Belarus nhưng không nhằm gây ảnh hưởng tới chính quyền Tổng thống Lukashenko.

Tuy nhiên, Katsiaryna Shmatsina, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược Belarus, cho rằng dù các biện pháp trừng phạt không thể buộc Tổng thống Lukashenko rời bỏ quyền lực, chúng sẽ gia tăng áp lực với lãnh đạo này.

Lukashenko, người đã nắm quyền ở Belarus 26 năm qua, tiếp tục giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái với 80,23% số phiếu bầu, theo số liệu từ cơ quan bầu cử nước này. Tuy nhiên, kết quả trên bị phe đối lập phản đối và EU nói rằng cuộc bỏ phiếu “không tự do cũng không công bằng”, song Tổng thống Lukashenko bác bỏ mọi cáo buộc.

Cuộc bầu cử và phản ứng quyết liệt của chính quyền Lukashenko trước các cuộc biểu tình phản đối của người dân khiến EU cuối năm 2020 phải đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức tình báo Belarus, Tổng thống Lukashenko cùng con trai ông.

Tom Clonan, chuyên gia an ninh, cựu đại úy quân đội Ireland, nhận định việc chính quyền Belarus ép máy bay Ryanair hạ cánh là một “bước đi sai lầm” nghiêm trọng, “gây đả kích mạnh mẽ” đối với các nền dân chủ phương Tây.

“Những gì ông ấy làm đã quá rõ”, Clonan nói, đề cập đến Tổng thống Lukashenko. “Đây là trường hợp mà một quốc gia can thiệp rõ ràng, không thể chối bỏ vào hoạt động hàng không dân dụng… Hàng không là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm”.

Nhà báo Roman Pratasevich xuất hiện sau khi bị chính quyền Belarus bắt hôm 23/5. Ảnh: Twitter/Hanna Liubakova.

Nhà báo Roman Pratasevich xuất hiện trong video được Belarus công bố sau vụ bắt hôm 23/5. Ảnh: Twitter/Hanna Liubakova.

Hiện tại, chưa rõ các biện pháp trừng phạt tăng cường là gì và liệu chúng sẽ có tác động như thế nào đối với chính quyền Belarus. Giới chức EU đang đánh giá xem những cá nhân, công ty hay tổ chức nào sẽ bị nhắm mục tiêu.

Các lãnh đạo châu Âu có thể đã đồng ý về nguyên tắc trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn nhưng đã có những chia rẽ trong khối về cách hành động cụ thể, theo BBC.

Đức, Italy và Pháp, những nước có quan hệ thương mại đáng kể với Belarus, được cho là đang lưỡng lự khi chọn con đường có thể gây nguy hại hiểm đến lợi ích kinh tế của họ. Truyền thông Đức cho biết khoảng 350 công ty có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nhằm vào Belarus, bao gồm cả những công ty khổng lồ như Siemens hay Bosch.

Một số người cho rằng tăng cường trừng phạt sẽ không thể giải quyết gốc rễ tình hình tại Belarus mà chỉ đẩy nước này xích lại gần hơn với Nga, đồng minh quan trọng nhất của Minsk, qua đó làm giảm ảnh hưởng của EU cũng như các nước khác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 25/5 cáo buộc các nước phương Tây “đạo đức giả” và cho biết “thấy sốc khi phương Tây gọi sự việc trên không phận Belarus là gây sốc”.

“Lukashenko sẽ ngày càng trở nên phụ thuộc vào Điện Kremlin”, Alexander Klaskouski, nhà phân tích chính trị độc lập tại Minsk, bình luận. “Belarus sẽ khó lòng khước từ những yêu cầu từ Điện Kremlin”.

Vũ Hoàng (Theo AP, CNBC, Times)