Xử án Đồng Tâm: Cơ hội, thử thách cho Đảng Cộng sản cải tổ?

Nghe đọc bài

Vào thời điểm vụ án Đồng Tâm đem ra xét xử tại Việt Nam, ba luật sư từ Hà Nội và Sài Gòn bình luận về bài học cần phải làm để cải cách, cải tổ luật pháp, thể chế ở Việt Nam.

Các ý kiến cũng đề cập các cấp độ hẹp từ cải cách luật pháp đất đai, cho tới cách thức ‘chiến thuật’ để cải tổ thể chế như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện tại.

Từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong các luật sư tham gia bào chữa trước tòa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo trong vụ Đồng Tâm, trước hết nói với BBC về điều mà ông cho rằng cần phải làm gì để giải quyết ‘rốt ráo’ triệt để tranh chấp, khiếu nại, xung đột về đất đai, mà vụ Đồng Tâm là một ví dụ.

“Tôi nghĩ rằng chính sách đất đai, đúng như đã nói, nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề về chính sách đất đai, không chỗ này sẽ xảy ra chỗ khác, bạo lực không nổ ra chỗ này thì sẽ nổ ra chỗ khác.

“Cho nên, nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề căn nguyên các tranh chấp lớn hiện tại của Việt Nam từ đất đai mà ra, không sửa đổi luật đất đai và các văn bản có liên quan, sẽ không bao giờ chấm dứt được việc khiếu nại, khiếu kiện và xa hơn là các bạo lực liên quan đất đai.

“Do đó, tôi xin nói lại là phải sửa luật đất đai và các văn bản có liên quan,” ông Ngô Anh Tuấn nói với hội luận của BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, 11/9/2020, không lâu ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Đồng Tâm.

‘Mỗi nhánh quyền lực như một chân ghế’

Từ Sài Gòn, luật sư Đinh Hồng Hạnh làm việc trong lĩnh vực xã hội dân sự và các vấn đề chính sách, pháp luật liên quan định chế xã hôi này, nói:

“Về phía tôi, tư pháp là một trong những nhánh rất quan trọng cho nền dân chủ của một quốc gia. Chúng ta biết rằng lập pháp, hành pháp và tư pháp nếu như ví mỗi nhánh như một chân ghế, cả ba chân ghế đều tồi tệ, mà tập trung sửa đổi một chân ghế thì cũng không khá hơn cho sự trụ vững của cái ghế này.

“Và tôi cũng chia sẻ với các ý kiến tại hội luận là nó sẽ không chỉ là cải cách tư pháp, nó còn cải cách rất nhiều thứ nữa, đặc biệt liên qua sự độc lập, vận hành của cơ chế tư pháp.

“Nếu ngành tư pháp được cải cách, nhưng bên lập pháp, tôi nói ví dụ bên Quốc hội lại không thúc đẩy những quyền dân chủ, quyền con người khác, như là quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu đạt của người dân, thì tôi nghĩ hệ thống tư pháp vẫn phải xử lý những vụ việc như Đồng Tâm.

“Về các câu hỏi được đặt ra liên quan cải cách các chính sách, pháp luật, đường lối về đất đai, tôi nghĩ bất kỳ người dân Việt Nam nào bị đụng chạm đến, hoặc bắt đầu có nhận thức về quyền đất đai, thì sẽ đều là một câu hỏi lớn với người dân về quyền tư hữu, chiếm hữu và sử dụng đất đai của họ nằm ở đâu ở trong hệ thống này.

“Tôi nghĩ là nó là vấn đề đã tồn tại từ khoảng năm 1945 trở đi, với hệ thống từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Do đó, nó là một câu hỏi mà sẽ tác động trực tiếp đến việc quyết định lựa chọn đất nước sẽ đi theo con đường nào, hoặc là áp dụng một thể chế nào, chứ không phải chỉ là câu hỏi về việc cải tổ một hệ thống hay một chính sách pháp luật.”

‘Cải cách một trụ tư pháp là không đủ’

Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam – Vusta) chia sẻ ý kiến trên của Luật sư Đinh Hồng Hạnh và nói thêm với BBC:

“Trong thực trạng về hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, để trả lời những câu hỏi về cải tổ, cải cách như trên, tôi có thể nói là cực kỳ khó, kể cả về tính khả thi.

“Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng ở thượng tầng cả ba trụ cột ấy hỏng hết rồi.

“Bây giờ cải cách một trụ tư pháp thôi thì cũng không đủ, ngay cả lập pháp hay luật pháp của Việt Nam đã ổn chưa, rồi đến cả bên hành pháp, thực thi nữa.

“Do đó, ở đây theo ý kiến cá nhân của tôi, khi chúng ta chưa thể một bước bước ngay qua được hệ thống dân chủ đa nguyên, đa đảng, thì khó có thể cải cách một cách triệt để ba nhánh quyền lực này được.

“Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy một cơ hội nho nhỏ là tất cả ba nhánh này đều chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam hết, trên thực tế là như vậy.

“Thế nhưng bây giờ có ngay sự cải cách ngay trong đảng Cộng sản Việt Nam một cách dân chủ, minh bạch, công khai để người dân đánh giá, lựa chọn những người đảng viên ưu tú, trong sạch giữ các chức vụ quan trọng trong đảng, và từ việc giữ các chức vụ quan trọng đó hiện nay, hy vọng là nó sẽ có một hiệu ứng tích cực cho việc thay đổi được dần dần hệ thống lập pháp, tư pháp cũng như hành pháp.”

Kinh tế Việt Nam

Biện pháp, chiến thuật cải cách thế nào?

Sau khi đề cập và phân tích về khó khăn và cả hy vọng về tính khả thi của việc cải tổ, cải cách thể chế nói trên ở Việt Nam, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng chưa thể đòi hỏi ‘tư pháp độc lập’ được ngay, mà cần phải có bước đi có tính tình thế mà ông nhấn mạnh như một ‘chiến thuật’ chuyển tiếp.

“Nếu bây giờ chúng ta nói tư pháp hãy độc lập đi, thì làm sao độc lập được, trong lúc các thẩm phán hoàn toàn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về nhân sự, về mọi chuyện từ các cấp ủy đảng trong Tòa án, làm sao độc lập được? Không có độc lập được.

Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách
Chụp lại hình ảnh,Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách

“Cho nên có lẽ hy vọng trong thực trạng hiện nay khi chưa có dân chủ, chưa có đa nguyên, đa đảng, chưa có hệ thống chính trị như vậy, tôi rất mong muốn (nhiều đảng viên đảng Cộng sản, cũng như người dân đều mong muốn ổn định, cũng muốn sự tồn tại của đảng Cộng sản này ‘lâu’…), đảng Cộng sản cũng như những người lãnh đạo trong Bộ Chính trị ý thức được rằng cần phải dân chủ hóa trong đảng trong công tác nhân sự đi đã.

“Công khai, minh bạch công tác nhân sự trong đảng để lựa chọn những người giỏi, những người trong sạch vào các vị trí lãnh đạo trong đảng và đưa đương nhiên cũng là vị trí lãnh đạo trong chính quyền, nó sẽ tạo những hiệu ứng tích cực cho việc thay đổi, cũng như hoàn thiện hơn thể chế mà chúng ta công nhận có ba quyền nói trên và ba quyền đó có sự phân công trách nhiệm và chịu sự lãnh đạo của đảng.

“Đấy là hệ thống, hay bước đi có tính tạm thời, hay có tính chất chiến thuật, một khi điều kiện chính trị, xã hội đến và nền dân chủ của Việt Nam trưởng thành hơn, thì sẽ chuyển tiếp sang thể chế tốt hơn, lúc đó chúng ta mới nghĩ đến chuyện cải cách triệt để cả hành pháp, tư pháp và lập pháp,” ông Giao nói với BBC.

Theo BBC