Xây dựng ‘kho lớn’ chứa nước cứu khô hạn có khả thi?

Nghe đọc bài

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tại phiên giải trình trước Thường vụ Quốc hội về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập vào hôm 17 tháng 8 năm 2020, đưa ra đề xuất xây dựng ‘kho chứa nước lớn’ cho các vùng khô hạn.

Bộ trưởng Cường cho rằng, cần đánh giá lại toàn diện các lưu vực sông để có giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước một cách hiệu quả và xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho các vùng khan hiếm nước, bị hạn mặn nghiêm trọng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Liệu có khả thi xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho vùng ĐBSCL?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này hôm 18 tháng 8 năm 2020, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một nhà nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết ý kiến của mình:

“ĐBSCL thì phải tùy vùng nào, vùng trên là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên hay vùng sát biển, cho nông nghiệp lại khác cho sinh hoạt, hai cái này hoàn toàn khác nhau. Nếu nói một cách tổng quát, khi làm như vậy thì thứ nhất phải nghĩ đến chuyện 1 hồ tập trung hay nhiều hồ phân tán, mình phải biết người sử dụng ở đâu và dùng cho mục đích gì? Hồ lớn thì tiện cho quản lý, nhưng lại xa người dùng, vấn đề là phân phối như thế nào? Thứ hai là vấn đề giải tỏa đền bù, đất ở đâu, đất nào? Thứ ba là thất thoát nước, mùa khô thất thoát nước mặt thoáng khoảng 6 mm / ngày, 6 tháng mất khoảng cả thước nước. Thứ tư phải coi đó là đất gì, nết đất cát thì thấm nước rất lớn, nếu vùng mặn thì coi chừng mặn tràn ngược, nếu đất phèn thì cũng sợ nhiễm phèn.”

ĐBSCL thì phải tùy vùng nào, vùng trên là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên hay vùng sát biển, cho nông nghiệp lại khác cho sinh hoạt, hai cái này hoàn toàn khác nhau.
-Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện

Ngoài ra theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nếu xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho sinh hoạt thì vấn đề an toàn phải được coi trọng, vì nếu ai đó muốn phá hoạt thì chỉ cần một chai thuốc trừ sâu, sẽ ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn. Ông cho rằng, nếu nghiên cứu sâu vào vấn đề chi tiết kỹ thuật, thì phải có rất nhiều chuyện cần phải cân nhắc.

Cũng tại phiên giải trình trước Thường vụ Quốc hội về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập… Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong nhiều năm qua Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng… Nhưng đến nay vẫn còn bị động như ngập lụt về mùa mưa, hạn hán, thiếu nước về mùa khô… Vì vậy Bộ NN-PTNT đã kiến nghi đến các đại biểu việc xây dựng ‘kho chứa nước lớn’ cho các vùng khô hạn.

Để tìm hiểu thêm, hôm 18 tháng 8 Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, trước tiên ông nói về đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

“Từ ý tưởng cho đến thực hiện kỹ thuật vẫn còn khoảng cách. Khoảng cách đó để giải quyết phải qua nhiều bước thử nghiệm, ví dụ như chuyển nước thì không nhất thiết chuyển bằng kênh mương, mà có thể chuyển bằng đường ống, để bảo vệ nước không bị ô nhiễm. Lây nay nước sông mà mình thấy như hiện nay cũng đã ô nhiễm rồi, nên chuyện sử dụng nước đó ra sao thì người dân người ta có kinh nghiệm. Nếu trong tương lai nguồn nước ngày càng cạn kiệt đi, thì ý thức người dân trong bảo tồn nguồn nước sẽ ngày càng tăng lên. Tôi nghĩ trong tương lai, thái độ đối xử với nước chắc chắn sẽ có sự thay đổi.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, có nhiều vấn đề cần đặt ra như sinh kế của người dân vùng được chọn để trữ nước, bảo vệ an toàn cho nước dự trữ như thế nào và làm sao tránh thất thoát. Ông nói:

“Thứ nhất là chuyển đổi sinh kế của người dân tại vùng sẽ ngập do trữ nước đó. Lâu nay họ làm 3 vụ hoặc canh tác những loại hình cần khô ráo như cây ăn quả hay hoa màu, thì phải chuyển đổi cho họ như trồng sen, nuôi cá… để giúp kinh tế người dân đó không bị ảnh hưởng, đó là vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết trước khi dùng vùng đó để trữ nước. Vấn đề thứ 2 là sau khi trữ rồi phải chống bốc hơi, chống thắm, nếu không sẽ hao hụt hết. Và phải bảo vệ nguồn nước đó làm sao cho hiệu quả đối với những vùng bị hạn mặn ven biển, khi chuyển nước trữ về.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi cho rằng, lộ trình để trữ nước lớn như thế phải mất vài thập niên, chứ không thể nói là có ngay được, và trong vài thập niên đó những chuyển đổi về kinh tế, những thay đổi về môi trường xã hội, sẽ lần lượt hình thành.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại phiên giải trình trước Thường vụ Quốc hội về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập vào hôm 17 tháng 8 năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại phiên giải trình trước Thường vụ Quốc hội về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập vào hôm 17 tháng 8 năm 2020. Courtesy mard.gov.vn

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, khi trả lời RFA hôm 18/8 cho rằng, nhiều năm qua vùng ĐBSCL cũng đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có thể phù hợp với quy hoạch trữ nước cũng như tiết kiệm nước:

“Ở ĐBSCL mấy năm nay ngành nông nghiệp đã có định hướng thích nghi với tự nhiên, như vùng lũ thì chọn cây trồng, nuôi thủy sản thích nghi với ngập nước. Vùng mặn thích nghi với mặn xâm nhập. Vùng ít nước thì giảm cây trồng sử dụng nước nhiều, mà một trong những cây trồng sử dụng nhiều nước là lúa. Cho nên ở những vùng ven biển, khả năng nhiễn mặn cao đã giảm diện tích lúa, chuyển sang làm thủy sản hoặc bỏ bớt vụ chuyển sang làm mùa mưa thôi, còn mùa khô không làm. Ở ĐBSCL hiện nay đang trong quá trình bố trí lại đấy, cả về diện tích các cây trồng nhạy cảm, đòi hỏi nước nhiều… hay cả về thời gian diễn ra các vụ mà không có nước do hạn hán. Cơ cấu cây trồng thực ra hiện nay vẫn đang chuyển đổi rồi.”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần bảo vệ, phục hồi và nâng cao chất lượng cho thảm thực vật, chú trọng việc mở rộng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Cường cho rằng, để làm được điều đó, cần đánh giá lại toàn diện các lưu vực sông để có giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước một cách hiệu quả, xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho các vùng khan hiếm nước.

Lộ trình để trữ nước lớn như thế phải mất vài thập niên, chứ không thể nói là có ngay được, và trong vài thập niên đó những chuyển đổi về kinh tế, những thay đổi về môi trường xã hội, sẽ lần lượt hình thành.
-PGS. TS. Hồ Long Phi

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi cho biết, có nhiều phương án tận dụng trữ nước, như đề nghị của các chuyên gia Hà Lan trước đây, chứ không nhất thiết phải xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn. Ông nói:

“Cái này có nói trong quy hoạch ĐBSCL do phía tư vấn Hà Lan hỗ trợ, họ có đề xuất sử dụng vùng trũng của Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên để trữ nước trong mùa lũ và dùng nước đó để điều tiết cho các vùng ven biển trong mùa khô. Đây chỉ là ý tưởng để điều hành nguồn nước, nhưng để thực hiện về kỹ thuật thì còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết. Ngoài ra ở ĐBSCL kênh rạch rất nhiều, dung lượng trữ cũng không nhỏ, nếu biết tận dụng sẽ có khối lượng nước rất lớn được trữ vào cuối mùa lũ để dùng trong mùa cạn kiệt. Một giải pháp nữa là ngăn các đoạn sông lại hoặc là trữ nước mưa để dùng cho sinh hoạt.”

Tóm lại theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, có nhiều yếu tố, nhưng trữ nước ở đây phải đi kèm với tiết kiệm nước. Tức là phải chuyển đổi hình thức canh tác, để làm lượng nước tiêu hao ít đi, chứ hiện nay ĐBSCL trồng lúa là chủ yếu, mà lúa rất tốn nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 – 840 tỷ m3. Hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310 – 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nên vấn đề an ninh nguồn nước là vấn đề hiện được chính phủ rất quan tâm.

Những vấn đề liên quan đến nguồn nước tại Việt Nam từng được đề cập đến lâu nay. Tuy nhiên, biện pháp đề ra dường như chỉ nằm trên giấy. Đơn cử tình trạng ô nhiễm lưu vực Sông Nhuệ- Đáy đã được nêu ra nhiều năm qua; thế nhưng tình trạng đó chẳng mấy được cải thiện mà có vẻ trầm trọng hơn. Trong báo cáo của Tổng Cục Môi Trường Việt Nam vào ngày 17 tháng 8 năm 2020; đây là nơi có chất lượng kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền bắc Việt Nam.

Theo RFA