WHO: Thế giới thiếu 90% ngân sách đối phó Covid-19

Nghe đọc bài

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/8, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Ba tháng tới sẽ là cơ hội quan trọng để tăng quy mô ACT Accelerator (dự án đối tác toàn cầu nhằm huy động ngân sách ứng phó Covid-19). Tuy nhiên, để khai thác khoảng thời gian này, về cơ bản chúng ta phải mở rộng quy mô theo cách chúng ta đang tài trợ cho ACT và ưu tiên sử dụng các công cụ mới. Vẫn còn một khoảng cách lớn giữa số tiền các nước đã cam kết với số tiền cần thiết để ứng phó đại dịch”.

Ông Tedros cho biết, số tiền mà thế giới cam kết chi ứng phó đại dịch chỉ khoảng 10% ngân sách cần thiết. “Chỉ riêng với vắc xin, chúng ta cần hơn 100 tỷ USD”, ông nói. Mặc dù vậy, người đứng đầu WHO cũng lạc quan cho rằng: “Không bao giờ là quá muộn để ngăn chặn đại dịch này”. Ông lấy ví dụ một số quốc gia đã kiểm soát thành công Covid-19 như Rwanda và New Zealand.

Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh số người mắc Covid-19 toàn cầu tính đến hết ngày 10/8 đã vượt 20 triệu người, trong đó gần 740.000 người đã tử vong.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca mắc Covid-19 toàn cầu cán mốc 10 triệu sau 6 tháng, nhưng chỉ mất 43 ngày để tăng gấp đôi lên 20 triệu ca. Mỹ, Brazil và Ấn Độ chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 được xác nhận.

Trong khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại 3 điểm nóng này, đại dịch Covid-19 cũng bắt đầu bùng phát mạnh trở lại ở các nước Đông Âu do thời tiết nắng nóng khiến người dân đổ xô đến các bãi biển bất chấp các quy định giãn cách xã hội.

Trước tình hình này, giới chức châu Âu đã tăng cường các biện pháp phòng dịch. Tại Paris, Pháp, người từ 11 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Một số thành phố và địa phương khác của Pháp, Bỉ, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha cũng thực hiện biện pháp tương tự.

Tại Berlin, Đức, hàng nghìn trẻ em đã trở lại trường từ ngày 10/8 và buộc phải đeo khẩu trang ngoài phạm vi lớp học. Tại Hy Lạp, chính phủ nước này đã ban bố lệnh giới nghiêm vào buổi tối đối với các nhà hàng, quán bar sau khi số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục.

Ở Anh, chính phủ nước này đưa thêm Tây Ban Nha và Bỉ vào danh sách các nước theo đó công dân Anh từ các nước này trở về phải cách ly tại nhà 14 ngày.

Tại châu Á, Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiệm ngặt, phong tỏa cục bộ ở những địa phương có dấu hiệu bùng phát dịch trở lại.

Để đối phó Covid-19, chính phủ các nước và các tổ chức tiếp tục chạy đua nghiên cứu, phát triển vắc xin. Theo WHO, hiện có khoảng 165 loại vắc xin tiềm năng đang được phát triển trên thế giới, trong đó 6 loại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Tuy nhiên, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo, vắc xin không phải là đáp án tuyệt đối cho bài toán ứng phó Covid-19.

Theo Dân trí