VNCH đối đãi với thành phần ‘sinh viên đấu tranh’ ra sao?

Năm xưa, Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng đồng đảng, sư sãi Phật giáo có thể tự do công khai biểu tình ở miền Nam, là nhờ sự văn minh tự do của miền Nam
Nghe đọc bài

Nhân cái chết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ý kiến nói thời VNCH, “các gương mặt nổi bật” trong giới đấu tranh do Hà Nội hậu thuẫn, tha hồ quay ronéo báo và truyền đơn tài liệu, tổ chức hội thảo, kỷ niệm lễ này lễ nọ, dưới danh nghĩa đủ thứ tổ chức đòi quyền sống, quyền tự quyết, tranh thủ hòa bình… cũng chẳng người quen nào đi báo cáo và chẳng ai vào bắt.

Phong trào trí thức sinh viên học sinh đấu tranh ở thành thị miền Nam kéo dài khoảng chín năm, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ năm 1965, với những cuộc đấu tranh rầm rộ với khẩu hiệu đòi tự do dân chủ.

Giai đoạn hai có thể lấy biến cố Mậu Thân làm mốc, nhưng thật sự bắt đầu từ giữa năm 1969 tới sau lúc ký kết Hiệp định Paris năm 1973, với thành phần nhân sự cốt lõi gồm hai, ba chục thanh niên, lấy tên cả chục tổ chức có danh xưng tương ứng với các khẩu hiệu đòi quyền sống, quyền tự quyết và tranh thủ hoà bình…

Tùy vào loại hình sinh hoạt, thí dụ in và lưu hành sách báo, tổ chức hội thảo, biểu tình, tuyệt thực, các lễ giổ tổ, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, kích động tự thiêu vì hòa bình… mà họ cuốn hút được sự ủng hộ và tham dự của nhiều hoặc ít thanh niên sinh viên học sinh để làm thành cái được Hà Nội tuyên truyền là “phong trào tranh đấu chống Mỹ cứu nước của sinh viên học sinh miền Nam”.

Sau đó, phong trào xẹp hẳn vì Hiệp định Paris đã được ký kết, tính chất hợp pháp của cái gọi là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã được Hoa Kỳ và VNCH công nhận, các cơ sở cộng sản nội thành đã được tái lập. Thành phần nhân sự cốt lõi và ít ỏi ấy kẻ được Hà Nội đón đưa ra miền Bắc (thường gọi là thoát ly), kẻ bị Chính phủ VNCH bắt đưa đi Côn Ðảo rồi được Ủy ban Liên hiệp Quân sự Bốn bên trao trả cho Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Ðảng Cộng sản Việt Nam xây dựng một số thanh niên tranh đấu “chống Mỹ cứu nước”, với mục đích dùng họ làm mặt nổi nhằm che giấu hoặc trám vào lỗ hổng chính trị trong quần chúng, trong khi chờ đợi cán bộ chính trị bị bắt trong biến cố Mậu Thân vừa được thả về, xây dựng lại cơ sở quần chúng. Các thanh niên tranh đấu ấy cả ở Huế lẫn Sài Gòn chỉ khoảng hai ba chục người, cộng thêm vài giáo chức, trí thức và phụ nữ, kéo nhau đi tổ chức hội thảo, biểu tình, ra tuyên ngôn tuyên cáo và chia nhau đứng tên trong danh sách ban chấp hành của các lực lượng, phong trào, mặt trận, ủy ban… đấu tranh cho quyền sống, quyền tự quyết và tranh thủ hòa bình.

Họ thành lập Tổng đoàn Học sinh với hạt nhân là Ban đại diện Học sinh Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. Lợi dụng tinh thần rã rời của sinh viên sau biến cố Mậu Thân, tâm lý dị ứng của sinh viên, trí thức đối với chính quyền quân phiệt Thiệu-Kỳ và tình trạng chia rẽ giữa các ban đại diên phân khoa, họ tìm đủ mọi cách để đưa người vào hai ban đại diện Tổng hội Sinh Viên Sài Gòn và Huế. Sau khi nắm được các tổ chức đó, thỉnh thoảng họ dùng danh nghĩa đại diện đi công tác từ Sài Gòn ra Huế bằng máy bay. Và họ sống và sinh hoạt được như thế là nhờ pháp luật của VNCH.

Trước hết là quy chế tự trị đại học. Một trong những điều khoản về quyền tự trị đại học là cảnh sát không được xâm phạm các cơ sở của đại học. Do đó, khuôn viên viện đại học và các phân khoa, trụ sở Tổng hội Sinh Viên, các cư xá sinh viên, các câu lạc bộ sinh viên là nơi an toàn cho anh chị em tranh đấu chống chính quyền.

Tôi nhớ các anh Võ Quê, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San… ăn ở thường trực tại trụ sở Tổng hội Sinh Viên Huế. Ngay trong trụ sở, treo lồ lộ bức tranh cổ động thật lớn của Bửu Chỉ về vụ Mỹ Lai với một câu viết bằng sơn đỏ lòm: “Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu!” Có những đêm, anh em cầm bom xăng chạy tới khu vực gần Khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ, nhắm hướng có xe jeep của Mỹ liệng đại, rồi chạy về trụ sở, đi ngủ. Cảnh sát có thấy cũng biết loại người nào ném, và chỉ rượt tới sát khuôn viên của trụ sở Tổng hội Sinh Viên.

Huỳnh Tấn Mẫm (lúc ấy là Chủ tịch Tổng hội Sinh Viên Sài Gòn) và Lê Văn Nuôi (lúc ấy hình như là học sinh lớp 11 Trường Kỹ thuật Cao Thắng và là Chủ tịch tự phong của Tổng đoàn hay Tổng hội Học sinh Tranh đấu gồm khoảng vài ba cô cậu), đi theo Huỳnh Tấn Mẫm và vài anh em khác, mua vé hàng không Việt Nam ra hội thảo với anh em ở Giảng đường Trường Khoa học (gọi là Giảng đường Karate), và sinh hoạt ăn ở với anh em ở Ðại học xá Nam Giao.

Ði bằng đường bộ từ Sài Gòn ra Huế phải mất hai ngày, ban đêm ngủ lại ở Qui Nhơn. Xe đò thỉnh thoảng bị nổ tung hay mắc kẹt cầu sập vì quân khủng bố ưa đặt bom.
Còn bình thường trong thành phố, cũng như đa số anh em thanh niên sinh viên khác, họ hầu hết đi xe Honda. Tôi có một người cậu bên vợ, nhà trong khu Thanh Nhàn Hà Nội, nay bị gọi là “xóm liều”.

Năm 1980, tôi ra thăm, ông ấy bảo: “Gớm, sinh viên trong Nam các cậu giàu quá. Trước 1975, tôi đọc báo Nhân dân, thấy kể sinh viên Sài Gòn tranh đấu, bị cảnh sát đàn áp ném lựu đạn cay, phải quẳng xe Honda mà chạy. Thế mà người ta lại bảo miền Nam các cậu nghèo khổ! Vứt cả cái xe Honda! Rõ phí của!” Tôi cười: “Mất sao được. Chờ êm êm, người ta mang thẻ chủ quyền xe tới đồn cảnh sát nhận lại. Tài sản của nhân dân; chưa có lệnh tòa án ai dám tịch thu.” Ông lắc đầu: “Thế thì hỏng to là phải!”

Tại sân sau của trụ sở Tổng hội Sinh Viên Huế, thường có những đêm vài ba chục anh em sinh viên (gần như đủ mặt thành phần đấu tranh, các đảng phái quốc gia, theo Chúa theo Phật, văn nghệ văn gừng…) ngồi xây vòng tròn nghe độc tấu tây ban cầm hay thổi sáo cho tới khuya rồi tan hàng, về nhà. Việc ai nấy làm, hình như cũng chẳng ai xích mích ai hoặc rình mò tố giác ai.

Trong những buối tối “hòa hợp hoà giải” kiểu Huế đó, tôi không để ý có ai là “cảnh sinh” không, và hình như chẳng có thám tử “thiên nga phượng hoàng” nào như các “bài ký hồi hộp” ở trong nước sau này thích vẽ vời.

Tại trụ sở Tổng hội Sinh Viên Huế, “các gương mặt nổi bật” tha hồ quay ronéo báo và truyền đơn tài liệu, tổ chức hội thảo, kỷ niệm lễ này lễ nọ, dưới danh nghĩa đủ thứ tổ chức đòi quyền sống, quyền tự quyết, tranh thủ hòa bình… cũng chẳng người quen nào đi báo cáo và chẳng ai vào bắt. Có thiếu nhân sự thì ra nhờ anh em đang uống cà phê vào tiếp cho một tay.

Thỉnh thoảng, các anh em cầm biểu ngữ chống Mỹ đòi hoà bình ra tuần hành ngoài đường, hoặc kéo ra giữa cầu Sông Hương mới xây xong và chính quyền chưa kịp khánh thành. Anh em đặt cho nó cái tên trúng ý mình là “Cầu Chống Mỹ Cứu Nước”. Ðặt xong tên và hô xong mấy câu khẩu hiệu đủ làm thành một bản tin, anh em lại tan hàng, thủng thỉnh đi bộ về trụ sở Tổng hội Sinh Viên, chẳng cảnh sát nào đi theo.

Tôi vẫn không biết thuở đó ông Trần Bạch Ðằng (Bí thư Sài Gòn-Gia Định) hay ông Hoàng Phương Thảo (Bí thư Thừa Thiên-Huế), có giúp được gì cụ thể cho anh chị em không, nhưng tôi thấy, nếu anh em có bị nhà cầm quyền VNCH “làm khó dễ” thì đã có sẵn các vị trong nhóm Ðối diện (gồm các linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trương Bá Cần…) và các tờ báo như Ðiện tín, Tin sáng, Ðại Dân tộc, Ðuốc Nhà Nam và một số thượng nghị sĩ, dân biểu thân Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) hoặc đối lập với phe của Tổng Thống Thiệu trong Quốc hội lớn tiếng can thiệp. Các tờ báo “tiến bộ” đăng bài của anh em như Ðối diện, Trình bày, Tự quyết…, tôi thấy vẫn ra hàng tháng đều đặn và bày bán ở hiệu sách.

Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thời gian tranh đấu vẫn là giáo sư Triết ở trường công Ðồng Khánh cho tới khi thoát ly (năm 1965 hoặc 1966).

Ngô Kha vẫn là giáo sư dạy Văn ở trường Quốc học cho tới ngày thoát ly, hình như sau Hiệp định Paris tháng Ba 1973.

Nguyễn Ðắc Xuân, Phan Chánh Dinh vẫn là sinh viên cho tới ngày thoát ly (1965).

Tôn Thất Lập là giáo viên cho tới năm Mậu Thân.

Tiêu Dao Bảo Cự vẫn dạy học ở trường công Bùi Thị Xuân Ðà Lạt…

Nguyễn Ước