Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo trong mùa dịch COVID-19

Nghe đọc bài

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam hôm 6/4 vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo sau khi bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống vì dịch COVID-19.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 7/4 cho biết trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương lấy ý kiến các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Tin cho hay lượng gạo mà Việt Nam được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn (trong tổng số 1,5 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại). Lượng xuất khẩu này giảm 40% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2019, và thấp hơn nhiều so với các năm 2018, 2017.

Bộ Công thương nói sẽ giữ lại khoảng 700 nghìn tấn gạo để dự phòng, đảm bảo cơ sở an ninh thương thực quốc gia và mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5.

Với lượng gạo 700 nghìn tấn được giữ lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người có thể dự phòng thêm 30 kg gạo trong tháng 4 và 5.

Cũng theo Bộ Công thương, Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu 400 tấn gạo vào tháng 4 nhưng vào tuần cuối của tháng sẽ đưa ra quyết định điều chỉnh tiếp theo sau khi căn cứ vào tình hình dịch bệnh.

Lượng gạo xuất khẩu vụ Đông Xuân năm nay của Việt Nam là khoảng 3,2 triệu tấn, trong đó tính đến hết tháng 3 đã xuất khẩu được 1,7 triệu tấn; còn lại 1,5 triệu tấn.

Báo trong nước nói 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam được yêu cầu ký thoả thuận về đảm bảo cung cấp lương thực dự trữ lương thông 5% khi được yêu cầu.

Những doanh nghiệp khai báo không trung thực sẽ bị Bộ Công thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Theo RFA