Việt Nam và EU bàn chuyện Biển Đông

Nghe đọc bài

Quan chức cấp cao của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thảo luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng, trong đó có Biển Đông.

Theo phía EU, trong cuộc tham vấn trực tuyến do Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và ông Pawel Herczynski, Tổng Vụ trưởng về Chính sách An ninh và Quốc phòng chung và Ứng phó Khủng hoảng thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu, hai bên “tái khẳng định cam kết đối với việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do hàng hải” theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu và Việt Nam cũng “kêu gọi các tranh chấp trên biển cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với Công ước trên”.

Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết thêm rằng trong cuộc trao đổi diễn ra đầu tháng này, EU và Việt Nam đã thảo luận về việc thực hiện Thỏa thuận khung EU – Việt Nam về sự tham gia của Việt Nam trong các phái bộ và hoạt động dân sự và quân sự thuộc Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của Liên minh châu Âu, đã có hiệu lực từ tháng 5 năm 2020.

Thêm nữa, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã thảo luận về các hoạt động trong tương lai trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.

Cuộc tham vấn về an ninh và quốc phòng diễn ra không lâu sau khi Liên minh châu Âu lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có vụ bắt giữ ký giả tự do Phạm Đoan Trang.

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh từng nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ bắt bà Trang “gây nghi vấn về cam kết bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cả trên mạng lẫn đời thực, của chính quyền Việt Nam”.

Bà Nabila Massrali cho biết thêm rằng “Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vốn là điều cũng quan trọng trong bối cảnh Thỏa thuận Thương mại Tự do EU – Việt Nam đạt được gần đây”.

Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, đầu tháng trước viết trên Twitter rằng ông cùng với đại sứ các nước thành viên EU khác đã nêu vụ bắt giữ bà Trang với Bộ Công an Việt Nam.

Tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, từng đăng bài viết với tựa đề “Sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang”, trong đó viết rằng “hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người ‘bất đồng chính kiến’, ‘người hoạt động nhân quyền’”.

Theo VOA