Việt Nam sẵn sàng nếu dịch lan rộng, nhưng không định cách ly toàn xã hội

Nghe đọc bài

Nhân viên y tế đưa 1 người bệnh tới bệnh viện Gia Định giữa lúc dịch COVID-19 lan rộng ở Đà Nẵng hôm 4/8. Làn sóng lây nhiễm mới trong cộng đồng xuất phát từ các ca đầu tiên ở Đà Nẵng đã lan sang 11 tỉnh thành trong cả nước Việt Nam.

Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tất cả các địa phương sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng trên cả nước nhưng chính phủ Việt Nam hiện không có kế hoạch cách ly toàn xã hội như đợt bùng phát dịch hồi đầu năm.

Chỉ trong 10 ngày kể từ khi dịch bùng phát trở lại từ những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau hơn 3 tháng được phát hiện ở Đà Nẵng, dịch COVID-19 đã lan tới 11 tỉnh thành, theo Bộ Y tế.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được truyền thông trích lời cảnh báo hôm 5/8 rằng “đợt dịch COVID-19 đang diễn ra tại nước ta phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước”. Ông Long nói với các Giám đốc Sở y tế của 63 tỉnh thành trên cả nước trong cuộc họp giao ban định kỳ rằng “tốc độ lây lan của dịch nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình”.

Bộ Y tế yêu cầu tất cả các địa phương kích hoạt các kịch bản cho tình huống dịch lan rộng.

“Ngay bây giờ, các địa phương khi chưa có dịch cũng phải chuẩn bị tình huống này”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết trong bối cảnh hiện nay, “khống chế dịch không còn là việc riêng của Quảng Nam, Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh, thành trong cả nước”.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam – được cộng đồng quốc tế ca ngợi vì những nỗ lực chống dịch từ rất sớm gồm cách ly xã hội trên toàn quốc – hiện không có kế hoạch áp dụng một lệnh cách ly diện rộng tương tự mà chỉ phong toả những vùng được coi là điểm nóng của dịch.

“Những nơi không có lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có người trở về từ các vùng dịch thì khoanh vùng phạm vi ở mức độ vừa đủ, hạn chế giãn cách một cách tràn lan”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hôm 3/8. Người phát ngôn Chính phủ được cổng thông tin điện tử Chính phủ trích lời nói thêm rằng “chỉ tập trung phong toả những nơi có dịch” để dập dịch, đồng thời bảo đảm kinh doanh, thông thương nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 4/8 cũng đưa ra thông tin tương tự khi nói rằng “tinh thần là quyết không để làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra ở Việt Nam, không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Vì vậy, việc khoanh vùng thực hiện trên phạm vi nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải trong trạng thái bình thường mới để phát triển”, theo Tuổi Trẻ.

Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội trong 3 tuần vào tháng 4, mở cửa lại nền kinh tế vào đầu tháng 5 và duy trì được tình trạng không có lây nhiễm trong cộng đồng trong 99 ngày.

Đã có 8 người tử vong đầu tiên vì virus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, từ khi dịch bùng phát trở lại trong hơn 10 ngày qua ở Việt Nam.

Bộ Y tế Việt Nam chiều 5/8 công bố thêm 41 ca COVID-19, trong đó có 40 ca ghi nhận tại cộng đồng, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 713.

Theo truyền thông trong nước, 34 trong số hơn 40 ca nhiễm mới được ghi nhận tại Đà Nẵng, thành phố du lịch biển miền Trung và hiện đang là ‘ổ dịch’ lớn nhất trong đợt bùng phát mới ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam hôm 1/8 nói họ có kế hoạch tiến hành xét nghiệm toàn bộ 1,1 triệu dân Đà Nẵng, một trong những biện pháp phòng dịch chưa từng được tiến hành trước đây nhưng sẽ được áp dụng trong lần chống dịch lần này, mà các lãnh đạo chính phủ nói là phải “quyết liệt” và “cương quyết” để giúp hạn chế những ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.

Đà Nẵng đã áp dụng lệnh phong toả từ tuần trước, ban hành lệnh cấm đi lại trong và ra khỏi thành phố cũng như đóng toàn bộ các điểm du lịch và giải trí ở đây, nơi chỉ vài tuần trước đó đã đón hàng chục nghìn du khách từ nhiều tỉnh thành, trong đó phần nhiều từ Hà Nội và TP HCM, tới thăm.

VOA