Việt Nam : Đối tác chiến lược trong tầm ngắm điều tra tiền tệ-thương mại của Mỹ

Nghe đọc bài

Ảnh tư liệu : Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (P) chiêu đãi tổng thống Donald Trump tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 11/11/2017. AP – Andrew Harnik

[fvplayer id=”27″]

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam tính đến tháng 08/2020 theo báo mạng Le Courrier du Vietnam. Nằm trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, Việt Nam đứng hàng thứ 4 về thặng dư thương mại với Mỹ, lên đến 37,7 tỉ đô la, trong 8 tháng đầu năm 2020, so với 29,8 tỉ đô la cùng kỳ năm 2019.

Từ năm 1995, Việt Nam luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ. Năm 2016, trong năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald Trump đã « lưu ý » Việt Nam về thâm hụt thương mại. Đến tháng 01/2020, bộ Ngân Khố Mỹ liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ do mức thặng dư ngày càng lớn. Washington yêu cầu Hà Nội « giảm can thiệp và cho phép các biến động tỷ giá hối đoái phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế, bao gồm cả việc nâng cao dần tỷ giá hối đoái thực tế ». Đến tháng 08/2020, khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức kỷ lục, cũng là lúc chính quyền tổng thống Trump công bố mở điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ và nguồn gốc gỗ Việt Nam xuất sang Mỹ.

Ngày 02/10, đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer thông báo đang tiến hành điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ, chiểu theo Điều 301 của Bộ Luật Thương Mại 1974 -Trade Act). Ngày 08/10, trên trang Công báo Chính phủ, Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) công bố mở điều tra về « luật lệ, chính sách và biện pháp của Việt Nam liên quan đến định giá tiền tệ », trong đó công chúng có thể đóng góp ý kiến cho đến hết ngày 12/11, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 03/11.

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.

RFI : Thưa giáo sư Eric Mottet, chính quyền Mỹ quyết định mở điều tra việc định giá tiền tệ của Việt Nam và nguồn gốc gỗ xuất từ Việt Nam sang Mỹ. Nguyên nhân nào khiến Washington đưa ra quyết định này ?

GS. Eric Mottet : Từ năm 2018, trong khuôn khổ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam được lợi nhờ việc nhiều doanh nghiệp Mỹ rời sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng tiếc là chúng ta đang thấy mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam hiện cũng hứng chịu những lo lắng của Washington, giống như từng xảy ra với Trung Quốc và vấn đề lớn giữa hai bên hiện nay là thâm hụt thương mại, không ngừng tăng lên, nghiêng về phía Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gần 56 tỉ đô la vào năm 2019 và một vài đánh giá gần đây nêu lên con số gần 70 tỉ đô la cho Việt Nam vào năm 2020.

Mức thặng dư này hiện trở thành một nguy cơ lớn cho Hà Nội vì chính quyền của tổng thống Trump rất cứng rắn trong cuộc chiến chống gian lận thương mại, gây thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Vì thế, chính quyền tổng thống Trump đã yêu cầu bộ Ngân Khố Hoa Kỳ xem xét kĩ lưỡng 6 tháng một lần tình hình với các quốc gia mà Mỹ bị thâm hụt thương mại nghiêm trọng. Theo kết quả được công bố cách đây vài tháng, dường như Việt Nam đã thao túng tiền tệ. Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ còn thẩm định rằng tiền “đồng” Việt Nam đã bị hạ khoảng 5% vào năm 2019. Có nghĩa là có hai vấn đề cùng lúc, thứ nhất là thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam, thứ hai là tiền “đồng” bị giảm giá trị. Điều này khiến Việt Nam nhập khẩu ít hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn vì quá đắt.

Ngoài cuộc điều tra về tiền tệ của Việt Nam, còn phải lưu ý đến 2 cuộc điều tra phụ, được tiến hành song song. Cuộc điều tra phụ thứ nhất nhắm vào gỗ của Việt Nam. Chúng ta biết hiện nay, về mặt xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang Mỹ, Hoa Kỳ là khách hàng lớn nhất, mua nhiều gỗ của Việt Nam nhất. Cuộc điều tra được tiến hành để tìm hiểu xem gỗ xuất từ Việt Nam có đúng là được khai thác ở Việt Nam hay không, chứ không phải là gỗ nhập lậu, ví dụ từ Cam Bốt. Cuộc điều tra phụ thứ hai có từ mùa hè 2020, cũng do bộ Thương Mại tiến hành, về chống bán phá giá và chống trợ cấp ống đồng của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ.

Như vậy, có thể thấy Mỹ đang tiến hành cùng lúc ba cuộc điều tra liên quan đến quy tắc thương mại nhắm vào Việt Nam.

RFI : Trong trường hợp bị cáo buộc thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ phải chịu những hậu quả gì ?

GS. Eric Mottet : Cần nhắc lại rằng Việt Nam không phải là nước duy nhất bị Hoa Kỳ điều tra, mà có khoảng 10 nước, từ Đức, Ý đến Nhật Bản hay Malaysia và Singapore. Có nghĩa là Mỹ sẽ tổ chức điều tra nếu thâm hụt thương mại vượt ngưỡng 1 tỉ đô la.

Một điểm cần nhớ khác là các bộ luật của Mỹ liên quan đến hình thức thương mại thường có lợi cho Hoa Kỳ, cho phép tổng thống đưa ra những biện pháp trả đũa thuế quan đối với những nước không tôn trọng luật pháp Mỹ, có nghĩa là Bộ Luật Thương Mại (US Trade Act), được thông qua năm 1974, mà người ta vẫn nhắc đến Điều 301, từng được sử dụng nhắm vào Trung Quốc từ năm 2018. Dĩ nhiên, Việt Nam có thể bị trả đũa thuế quan hoặc phi thuế quan, hơi giống như mô hình áp dụng với Trung Quốc.

Nhưng hiện tại, một điểm quan trọng cần được lưu ý là cuộc điều tra sẽ kéo dài nhiều tháng, ví dụ trong trường hợp Trung Quốc, cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, trước khi kết thúc báo cáo và công bố. Sau đó phải chờ thêm 3 đến 4 tháng để các biện pháp trừng phạt có hiệu lực. Ngoài ra, dù có kết luận thế nào về phương pháp của Việt Nam thì báo cáo cũng sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11. Vì thế, mọi chuyện đối với Việt Nam còn tùy thuộc vào việc Mỹ sẽ có tổng thống mới là Trump hay Biden.

RFI : Liệu Hà Nội có một giải pháp nào đó để giải quyết vấn đề này, cũng như tránh để xảy ra đối đầu trực tiếp, trong khi Hoa Kỳ hiện đang đóng vai trò đối trọng quan trọng với Trung Quốc ở Biển Đông ?

GS. Eric Mottet : Theo tôi, hiện giờ Việt Nam không có lựa chọn mà phải hợp tác với bộ Ngân Khố Hoa Kỳ và trả lời những câu hỏi của phía Washington về việc có thao túng tiền tệ hay không. Tôi nghĩ là Việt Nam cần kéo dài thời gian, có nghĩa là Hà Nội nên đợi, bình tĩnh trước hoàn cảnh này, chờ xem những ý định thực của Washington. Cũng không hẳn là không có khả năng rằng gây chút sức ép với Việt Nam nằm trong chiến lược của tổng thống Trump để được tái đắc cử. Sau đó cũng chờ xem, nếu Joe Biden được bầu làm tổng thống, liệu ông ấy có bỏ cuộc điều tra hay không. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể đưa ra lời khuyên là Việt Nam bình tĩnh, hợp tác với bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, không nên quên là mối quan hệ song phương trong khoảng 10 năm gần đây đã được thắt chặt rất nhiều bởi vì Việt Nam trở thành một đối tác chiến lược rất quan trọng của Mỹ, trong đó có cả việc chống lại những tham vọng của Trung Quốc. Tiếp theo, về phương diện chiến lược của Mỹ, Việt Nam có vai trò quan trọng, đặc biệt là ở Biển Đông, khu vực mà Hoa Kỳ đã thông qua một ngân sách để tái đầu tư vào kế hoạch quân sự và an ninh và dĩ nhiên Việt Nam nằm trong chiến lược này của Hoa Kỳ.

Vì thế, tôi nghĩ rằng không cần quá lo lắng lúc này, nên hợp tác và chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ để biết ai sẽ là tân chủ nhân Nhà Trắng trong vài tuần tới, cũng như không nên quên tất cả những nỗ lực, tiến bộ đạt được trong mối quan hệ Mỹ-Việt Nam từ vài năm gần đây.

RFI : Có nghĩa là tạm thời không cần phải lo rằng cuộc điều tra này, cũng như trong trường hợp Việt Nam bị cáo buộc, sẽ tác động đến quan hệ song phương ?

GS. Eric Mottet : Tôi không nghĩ là sẽ có tác động. Chưa biết được ! Vì một lần nữa cần nhắc lại là mối quan hệ song phương hiện rất tốt, trong khi cách đây không lâu, thì không được như vậy. Việt Nam có mối quan hệ tốt với Mỹ dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump. Hai chuyến đến Việt Nam của ông Donald Trump, vào năm 2017 và 2019, đã thắt chặt thêm mối quan hệ này.

Theo một thăm dò mà tôi đọc gần đây, người Việt Nam ủng hộ ông Donald Trump vì ông kịch liệt chống Trung Quốc, cũng như sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, giữa hai nước có nhiều thỏa thuận đối tác chiến lược, hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng, như về thương mại mà tôi đề cập ở trên. Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên vừa mới ký nhiều thỏa thuận để Mỹ xuất khẩu khí hóa lỏng sang Việt Nam, trong khi Việt Nam đang rất cần để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng ngày càng nghiêm trọng.

Mối quan hệ song phương hiện rất tốt, dù đúng là đang có điều tra. Có lẽ Việt Nam sẽ điều chỉnh một chút về thặng dư thương mại với Mỹ. Và nếu xảy ra căng thẳng hay xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì cũng sẽ không đến mức độ gay gắt như giữa Trung Quốc và Mỹ. Thực vậy, bất bình và bực tức nhỏ hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ liên quan đến lĩnh vực thương mại và cán cân thương mại song phương, chứ không liên quan đến việc cung cấp công nghệ hay quy mô an ninh và quân sự. Vì vậy, nếu xảy ra thì xung đột cũng chỉ ở cấp độ nhẹ và có thể giải quyết bằng cách áp dụng một thỏa thuận song phương mới giữa Mỹ và Việt Nam.

RFI : Theo giáo sư, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ trở nên như thế nào sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11 ?

GS. Eric Mottet : Cần phải nói là chính chính quyền Trump đã thúc đẩy tiến trình xích lại gần với Việt Nam nhiều hơn so với dưới thời Obama, thuộc đảng Dân Chủ. Đúng là có những bất đồng trên phương diện thương mại, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có cùng suy nghĩ trong lĩnh vực an ninh và an toàn ở Biển Đông, cũng như trên nhiều vấn đề và hợp tác khác, đặc biệt là về quản lý sông Mêkông, năng lượng…

Đúng là có một chút căng thẳng về thương mại, nhưng tôi không nghĩ là, nếu được bầu lại, chính quyền Trump sẽ gia tăng sức ép và xung đột trực diện ở mức độ trung bình với Việt Nam vì những lý do mà tôi nêu ở trên và hơn nữa, chính chính quyền Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Hà Nội trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây.

Cuối cùng, cũng cần chú ý là chính quyền Trump, nếu tái đắc cử, hay chính quyền Biden, nếu được bầu, đều cần đến Việt Nam để triển khai chiến lược kinh tế, năng lượng, công nghệ chống lại sức mạnh của Trung Quốc.

RFI