Việt Nam cũng có Wagner và Prigozhin

Nguyễn Phú Trọng dùng chiêu chống tham nhũng để tiêu diệt đối thủ
Nghe đọc bài

Ý kiến nói, có những dấu hiệu cho thấy, có rất nhiều “Warner Group” và “Prigozhin” ở Việt Nam. Nếu các băng nhóm và các thủ lĩnh chưa giẫm đạp lên lợi ích của nhau thì sai trái trầm trọng thế nào cũng vẫn có thể tự tung, tự tác. 

Cứ ngẫm nghĩ kỹ ắt sẽ nhận ra chính quyền Việt Nam chẳng khác mấy so với chính quyền Nga. Việc quản trị – điều hành quốc gia đã, cũng như đang bị các băng nhóm chi phối ở tất cả các lĩnh vực. Vì sao “quốc pháp” và “gia quy” (điều lệ đảng CSVN) lại công khai… “sánh duyên” với những cá nhân dám “chọc trời, khuấy nước” làm được những chuyện không ai tưởng rằng có thể và không ít cá nhân đột nhiên trở thành giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”?

Putin và Prigozhin từng xuất hiện như những cá nhân hết lòng vì một Liên bang Nga hùng cường, vì một dân tộc Nga ấm no, hạnh phúc, giờ – khi lợi ích xung đột với nhau – thì sao? Đại dịch COVID-19 từng chỉ ra, ngay cả khi quốc gia, dân tộc ngả nghiêng trong thảm họa thì điều duy nhất mà đa số viên chức hữu trách của tất cả các ngành, các cấp trong chính quyền Việt Nam nghĩ tới là biến “nguy” thành “cơ” – cơ hội để trục lợi. Cũng vì thế mới có những scandal “giải cứu” hay “Việt Á”.

Phạm Bá Hiền (trái) không hề hấn gì sau vụ mở tiệc mừng lên lon tại biệt phủ giữa làng quê nghèo

Có những dấu hiệu cho thấy, có rất nhiều “Warner Group” và “Prigozhin” ở Việt Nam. Nếu các băng nhóm và các thủ lĩnh chưa giẫm đạp lên lợi ích của nhau thì sai trái trầm trọng thế nào cũng vẫn có thể tự tung, tự tác. Nếu điều này sai thì làm gì có một gian thương như Phạm Bá Hiền – sau khi bị khởi tố vì “gian lận thương mại”, không những có thể thoát án tù mà còn trở thành sĩ quan quân đội, được bổ nhiệm làm Tư lệnh một binh đoàn, được phong tướng và bất chấp dư luận ra sao thì đương sự, cũng như băng nhóm hậu thuẫn cho ông ta vẫn bình an vô sự?

Nếu điều này sai thì làm gì có chuyện hệ thống tư pháp ở Long An càn rỡ tới mức dám ngụy tạo “vụ án Thiền Am” và bất chấp các quy định pháp luật, ra lệnh “truy tìm” ba luật sư bào chữa cho các nạn nhân vì họ dám lên tiếng tố cáo… mà từ trên xuống dưới, từ trái sang phải vẫn lờ đi, xem sự càn rỡ ấy nằm ngoài phạm vi trách nhiệm, cuối cùng cả ba phải chạy ra ngoại quốc lánh nạn và vì vậy “tự do, dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam lại trở thành chủ đề nóng trong sinh hoạt của cộng đồng quốc tế?

Làm sao có thể xem “phòng chống tham nhũng, tiêu cực” là thực tâm, “chỉnh đốn” là thực chất khi chỉ xới lại chuyện cũ mà làm ngơ chuyện vừa xảy ra, khi xử lý sai phạm thì không truy đến cùng, không buộc những cá nhân về nguyên tắc phải chịu trách nhiệm liên đới vì đứng đầu, vì lựa chọn – bổ nhiệm những cá nhân sai phạm, phải lãnh nhận hậu quả tương xứng? “Đốn” kiểu như thế có khác gì đang biểu diễn “chỉnh”, mà “chỉnh” như thế làm sao khả thi?

Người Nga đang trả giá cho sự hờ hững với thời cuộc, mặc kệ các băng nhóm lũng đoạn quốc gia tới mức nào, bằng hiện tại thê thảm như đang thấy và bằng cả tương lai bế tắc, tăm tối.

Hãy nhìn Liên bang Nga, nhìn giá mà các công dân Nga đang trả, kể cả việc phải trả bằng tính mạng của chính họ lẫn thân nhân của họ, có lẽ sẽ tìm ra được câu trả lời cho thắc mắc, liệu người Việt muốn “an phận thủ thường” và cho dù có cắn răng chấp nhận những bất toàn, bất trắc trong hiện tại thì có thể mưu tìm bình an ở tương lai hay không?

Đồng Phụng Việt