Việt Nam bí mật mua $8 tỷ vũ khí Nga trước khi Biden đến Hà Nội

Hỏa tiễn phòng không của Nga tại cuộc triển lãm vũ khí ở Hà Nội hồi Tháng Mười Hai, 2022
Nghe đọc bài

Hà Nội rất ranh mãnh khi nhảy múa với các cường quốc thế giới. Nhưng việc theo đuổi mua sắm vũ khí Nga sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của Việt Nam với Mỹ. Đồng thời nó cho thấy những rủi ro của chính sách đối ngoại của Mỹ buộc những nước khác phải lựa chọn “hoặc ta hay nó.”

Việt Nam bí mật mua một số lượng vũ khí của Nga trị giá $8 tỷ trong kế hoạch cải tiến quân sự bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Nhật báo The New York Times (NYT) tiết lộ thông tin này trong bản tin ngày 9 Tháng Chín, chỉ một ngày trước khi ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, đến Việt Nam thăm viếng và dự trù ký thỏa hiệp nâng mối quan hệ song phương giữa hai kẻ cựu thù từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện.”

Tổng Thống Biden đến Hà Nội vào hôm 10 Tháng Chín, để tán dương khả năng tăng thêm một người bạn nữa vào trong liên minh mà ông hy vọng hòa nhịp với các lợi ích của Mỹ thay vì của Nga và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của ông Biden, hai nước sẽ nhấn mạnh cam kết “gia tăng hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở khu vực,” theo bản tuyên bố của Tòa Bạch Ốc.

Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, dự trù gặp ông Joe Biden để nâng cấp mối quan hệ chiến lược. Bù lại, Washington làm ngơ các vụ đàn áp nhân quyền ngày càng tệ hại tại Việt Nam.

Trong khi Hà Nội và Washington thúc đẩy mối quan hệ gần lại với nhau những tháng gần đây, Việt Nam lại đang bí mật mua vũ khí của Nga bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, theo một tài liệu nội bộ của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tài liệu của Bộ Tài Chính Việt Nam đề Tháng Ba mà nội dung được một số cựu viên chức hay đương chức của chế độ kiểm chứng, trình bày cách làm thế nào hiện đại hóa quân đội bằng cách bí mật chuyển tiền mua sắm vũ khí xuyên qua liên minh dầu khí Việt Nam-Nga ở Siberia. Văn bản, do một thứ trưởng Tài Chính ký, lưu ý rằng Việt Nam đàm phán hợp đồng mua vũ khí mới với Nga nhằm “củng cố niềm tin chiến lược” tại giai đoạn “Nga đang bị các nước Tây Phương cấm vận mọi mặt.”

Theo NYT, đối với Việt Nam, việc mua sắm vũ khí Nga có cái lý của nó. Từng là một trong 10 nước nhập cảng vũ khí hàng đầu thế giới, lâu nay Việt Nam tùy thuộc vào các loại vũ khí Nga. Mỹ từng đe dọa trừng phạt bất cứ nước nào mua vũ khí Nga nên đã phá hỏng kế hoạch cải tiến trang bị quân sự của Việt Nam khiến cho khả năng đối phó với lực lượng Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông trở nên yếu thế hơn.

Nhưng khi vẽ ra một kế hoạch bí mật mua trang bị quốc phòng của Nga, Việt Nam lại bước vào trung tâm của cuộc cạnh tranh an ninh quốc phòng lớn hơn vốn chìm đắm trong “chính trị chiến tranh lạnh” và cuộc chiến sôi bỏng đang diễn ra tại Ukraine hiện nay.

Giới chức ngoại giao Mỹ không trả lời NYT khi đề nghị bình luận về triển vọng thương vụ Việt Nam mua sắm vũ khí Nga. Hà Nội rất ranh mãnh khi nhảy múa với các cường quốc thế giới. Nhưng việc theo đuổi mua sắm vũ khí Nga sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của Việt Nam với Mỹ. Đồng thời nó cho thấy những rủi ro của chính sách đối ngoại của Mỹ buộc những nước khác phải lựa chọn “hoặc ta hay nó.”

Ông Ian Storey, một phân tích gia tại Viện Nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và là tác giả một quyển sách sắp xuất bản về quan hệ giữa Nga với các nước ASEAN, nói rằng: “Tôi cảm thấy trong một cách nào đó nước Mỹ có những kỳ vọng không thực tế đối với Việt Nam. Tôi không biết chắc chắn là Mỹ hiểu mức độ nhạy cảm đến đâu về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như quan hệ của Việt Nam với Nga sâu xa thế nào. Hiểu sai những điều đó có thể đốt cháy Mỹ.”

Văn bản của Bộ Tài Chính Việt Nam đưa ra chi tiết làm thế nào Bộ Quốc Phòng có thể trả tiền mua vũ khí Nga. Để qua mặt sự giám sát của Mỹ, tiền mua vũ khí Nga được chuyển khoản trong sổ sách của liên doanh giữa Việt Nam và Nga là Rusvietpetro. Liên doanh này đang có hoạt động khai thác dầu khí ở phía Bắc nước Nga.

Hai tháng sau khi Bộ Tài Chính Việt Nam viết tài liệu trên để lưu hành nội bộ, ông Dmitri Medvedev, cựu tổng thống và cựu thủ tướng Nga và nay là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga, lặng lẽ tới Hà Nội. Báo chí tuyên truyền Việt Nam chỉ viết sơ sài về chuyến thăm của ông Medvedev nhưng một số chức sắc Việt Nam cho hay ông tới Hà Nội để “chốt” thương vụ quốc phòng.

Một viên chức Việt Nam cho hay thỏa hiệp mua vũ khí Nga trị giá $8 tỷ với tín dụng kéo dài 20 năm. Từ khi Nga xâm lăng Ukraine đầu năm ngoái, Việt Nam không bỏ phiếu lên án Nga ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, rồi lại cũng không bỏ phiếu loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tại cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng ở Moscow tháng trước, ông Sergei Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng Nga, cho hay Việt Nam thích hợp nhất cho các loại vũ khí mới nhất của Nga.

Mỹ từng nhiều lần thuyết phục Việt Nam đi ra khỏi quỹ đạo của Nga. Năm 2016, Tổng Thống Barack Obama của Mỹ đến Hà Nội tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Dù không ai dự trù Việt Nam mua ngay các máy bay chiến đấu Mỹ, rõ ràng Hà Nội sẽ được đền bù khi trở thành hàng rào hữu ích chống lại Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp cho những đồng minh như Nam Hàn bán các loại vũ khí tân tiến của họ cho Việt Nam dễ dàng hơn.

(Theo Người Việt)