Home Hoa Kỳ Vì sao CSVN ráo riết đòi Mỹ công nhận ‘kinh tế thị...

Vì sao CSVN ráo riết đòi Mỹ công nhận ‘kinh tế thị trường’?

Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Nghe đọc bài

“Nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng thì sẽ khó cho Việt Nam vì ông Trump từng tuyên bố Việt Nam thâm dụng về tài chính và xuất khẩu rất lớn đối với Mỹ,” Luật sư Trần Quốc Quân nói.

Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường, vốn được xem là những nước độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại. Trung Quốc và Nga cũng nằm trong danh sách này của Washington vì có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.

Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội hồi tháng 9, Việt Nam đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để yêu cầu đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam. Chính quyền Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam sau khi quốc gia Đông Nam Á lập luận rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách, vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá, do đã có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây.

Đề nghị để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cũng được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi hai nước nâng cấp hai bậc chưa từng có tiền lệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

“Nhận được quy chế kinh tế thị trường là ưu tiên ngoại giao cao nhất của lãnh đạo Việt Nam trong năm nay, đặc biệt sau khi nâng cấp hai bậc trong quan hệ ngoại giao với Mỹ vào mùa thu năm ngoái,” Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á, nhận định. “Các lãnh đạo Việt Nam đang thực sự gắn việc thực hiện tuyên bố tầm nhìn chung với việc nhận được quy chế đó.”

Trong tuyên bố chung, Mỹ nói rằng sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào giữa tháng 7 sau quy trình 270 ngày xem xét và đánh giá.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2023 hơn 125 tỷ USD, theo dữ liệu của US Census. Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25 trên 56 vụ việc tính đến tháng 8/2023, theo thống kê của Trung tâm WTO.

Cả giáo sư Abuza và nhà nghiên cứu Hiebert cũng đều cho rằng Việt Nam muốn vận động mạnh mẽ với chính quyền Biden trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra mà có thể có sự thay đổi về người đứng đầu Nhà Trắng.

“Ông Trump đã khởi động một cuộc điều tra đối với việc phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông ấy có thể lại làm như vậy một lần nữa,” ông Hiebert nói.

Tổng thống Donald Trump, hiện đang là ứng viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước ứng viên của Đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden, đã từng đe dọa áp thuế hàng nhập khẩu từ Việt Nam vì thặng dư thương mại cao với Mỹ và liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ khi còn đương nhiệm. Bộ Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Biden đã cho Việt Nam ra khỏi danh sách này.

Một quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu dấu tên nói với Deutsche Welle, hãng phát thanh truyền hình quốc tế Đức, rằng Hà Nội “rất mong muốn” chính quyền Biden đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường trước kỳ bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11.

Luật sư Lê Quốc Quân cũng cho rằng Việt Nam đang vận động ráo riết để được Mỹ công nhận vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay.

“Nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng thì sẽ khó cho Việt Nam vì ông Trump từng tuyên bố Việt Nam thâm dụng về tài chính và xuất khẩu rất lớn đối với Mỹ,” Luật sư Quân, chuyên theo dõi chính trị và nhân quyền Việt Nam, nói.

Tại một sự kiện của CSIS ở Washington hôm 23/1, Đại sứ Dũng nói rằng: “Chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Mỹ.”

Nhưng cuộc vận động của Việt Nam đang vấp phải những phản đối từ trong nước Mỹ.

Theo giáo sư Abuza, Mỹ “không thể trông cậy vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì nước này không có tư cách nền kinh tế thị trường.” Ông cho rằng “Việt Nam trước đây đã thao túng tiền tệ và khu vực nhà nước vẫn nhận được quá nhiều sự trợ cấp và bảo hộ.”

Vị giáo sư này cho biết ông không ngạc nhiên khi có những nhà lập pháp Mỹ phản đối việc cấp cho Việt Nam Quy chế kinh tế thị trường bởi ông cho rằng đây là “một trong số ít công cụ mà Quốc hội phải có để giành được một số nhượng bộ từ chính phủ Việt Nam về tình trạng nhân quyền đang suy giảm nhanh chóng” tại quốc gia Đông Nam Á.

(Theo VOA)

Exit mobile version