Home Hoa Kỳ Vì sao Mỹ không công nhận Việt Nam có kinh tế thị...

Vì sao Mỹ không công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường?

Tổng thống Joe Biden và Vương Đình Huệ tại Hà Nội
Nghe đọc bài

Trong số những quan ngại hàng đầu là việc Việt Nam, quốc gia xã hội chủ nghĩa có hệ thống độc đảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vốn đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ (DoC) đang trong quá trình 270 ngày lấy ý kiến để xem xét yêu cầu của Việt Nam muốn được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Việt Nam chính thức nộp yêu cầu này lên Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/9, ngay trước khi Washington và Hà Nội nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.

Trong phần bình luận gửi lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để phản hồi quyết định xem xét yêu cầu cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam của DoC, Liên minh các công ty sản xuất Hoa Kỳ (AMM) nói rằng họ “mạnh mẽ phản đối yêu cầu của Chính phủ Việt Nam rằng Bộ [Thương mại Mỹ] không coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường nữa trong bối cảnh luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ.”

Liên minh, được thành lập năm 2007 bởi một số nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ và Nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam nên tiếp tục được coi là nền kinh tế phi thị trường vì sự kiểm soát của Chính phủ đối với nền kinh tế nước này.

Việt Nam, trong yêu cầu khởi xướng rà soát để xem xét vấn đề kinh tế thị trường gửi lên Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng họ đã có những “bước phát triển và cải cách mạnh mẽ” kể từ khi Mỹ lần đầu tiên xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm cá phi lê đông lạnh của Việt Nam vào năm 2002.

“Nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển đổi và không nên bị coi là NME (kinh tế phi thị trường),” Bộ Công Thương Việt Nam nói trong bản đề nghị, đồng thời cho biết có 72 quốc gia – nổi bật là Anh, Canada, Úc và Nhật Bản – đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Bộ Công Thương nói rằng những thay đổi cơ cấu kinh tế và cải cách quan trọng kể từ chính sách “Đổi Mới” năm 1986 của Việt Nam đảm bảo tái xác nhận quốc gia này là nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, AMM cho rằng Việt Nam vẫn “tiếp tục hoạt động như một nền kinh tế phi thị trường” khi đưa ra những phân tích cho thấy quốc gia Đông Nam Á không đáp ứng được sáu yếu tố mà DoC dùng để xác định một nền kinh tế thị trường.

Trong số những quan ngại hàng đầu mà AMM nêu lên là việc Việt Nam, quốc gia xã hội chủ nghĩa có hệ thống độc đảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vốn đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.

“Kể từ khi GOV (chính phủ Việt Nam) yêu cầu CCR (rà soát tình trạng thay đổi), Chính phủ Việt Nam chỉ có tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc bằng việc công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa hai nước láng giềng cộng sản,” AMM viết trong bản nhận định gửi bà Raimondo.

Việt Nam và Trung Quốc ký kết 36 văn kiện hợp tác và nhất trí xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai chung” trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội hồi tháng 12, chỉ vài tháng sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ.

“Có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có thể đang sử dụng Việt Nam làm nền tảng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và điều này rõ ràng khiến các công ty ở [Mỹ] lo ngại,” Chủ tịch AMM, Scott Paul, nói với VOA.

“Một số công ty Trung Quốc đang vào Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang các thị trường khác và để khai thác lao động cũng như tài nguyên,” ông Paul nói.

Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và sau đó thay bao bì cũng như gắn nhãn “Made in Vietnam” trước khi xuất khẩu sang Mỹ và các nước như châu Âu. Các quan chức Việt Nam đã phát hiện ra việc này và cho rằng Trung Quốc cố tình dán mác sản xuất ở Việt Nam lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ.

(Theo VOA)

Exit mobile version