Vì sao cộng sản mãi dòm ngó vàng của người dân?

Người dân cất giữ vàng vì không có niềm tin vào sự điều hành kinh tế của chính phủ
Nghe đọc bài

Muốn thị trường vàng ổn định và để “giá vàng Việt Nam chạy theo giá vàng thế giới, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá, nguyên tắc bình thông nhau…bla bla bla…” thì giải pháp duy nhất là mặc kệ nó!

  1. Cơ sở nào, nghiên cứu nào, cuộc điều tra nào, của ai, nguồn nào nói trong dân có 400-500 tấn vàng!? Hoàn toàn không có. Không có bất kỳ một cuộc điều tra, thống kê nghiêm túc nào để có thể tính toán được số vàng mà người dân tích trữ hiện nay là bao nhiêu.

Nhiều năm trước, có một vị nào đó ngẫu hứng phán trong dân ước hiện có 400-500 tấn vàng nhàn rỗi thế là các ông sau lặp lại lời ông trước, báo chí hăng say trích dẫn mà không chịu kiểm chứng nó có đúng hay không!

Khoảng năm 2016, tôi có làm một cuộc nghiên cứu để cố gắng đo lường lượng vốn còn nhàn rỗi trong nền kinh tế, do người dân nắm giữ bằng vàng, USD và các hình thức khác để phục vụ cho một vài mục tiêu chính sách do cấp trên yêu cầu. Nhưng tôi phát hiện ra là không thể có phương pháp đo lường, dữ liệu và các tính toán khác phù hợp. Vì vậy, những kết quả nói rằng trong dân, lượng tiền nhàn rỗi (không tham gia vào lưu thông tiền tệ) có được là rất mơ hồ, chủ quan, có tính áng chừng, không phù hợp là cơ sở để hoạch định các chính sách có liên quan.

  1. Nói thành lập Sàn giao dịch vàng để hạn chế tình trạng đầu cơ vàng là càng không hiểu về đặc điểm và bản chất thị trường vàng Việt Nam. Từ năm 2006 đến năm 2009, ở Việt Nam mà đặc biệt là TP.HCM đã xảy ra tình trạng các Sàn giao dịch vàng mọc lên như nấm sau mưa.

Điều này đã gây ra một sự phức tạp và bất ổn chưa từng có trên biến động giá vàng trong nước. Giai đoạn này, tôi vừa giảng dạy, nghiên cứu và tham gia như một nhà đầu tư và phát hiện ra nhiều chuyện dở khóc dở cười ở các “sòng bạc” vàng này.

Dẫn đến tháng 12/2009, thủ tướng đã ra lệnh cấm tất cả các sàn vàng đang hoạt động và rút giấy phép tất cả các sàn đang treo bảng hiệu chuẩn bị khai trương. Vấn đề của chúng ta nằm ở khả năng quản lý các sàn giao dịch này. Chừng nào còn chưa có cơ chế phù hợp thì thành lập các sàn giao dịch như châm dầu thổi bùng ngọn lửa đầu cơ!

  1. Sở dĩ câu chuyện giá vàng của chúng ta bấy lâu nay cứ âm ỉ trong nền kinh tế, đến thời điểm thì bùng lên là do câu nói “Quý như vàng” thể hiện các đặc điểm về tâm lý cho đến lịch sử, văn hóa và cả những vấn đề vô vi liên quan đến vai trò của vàng trong kinh tế – xã hội nước ta vốn đã ăn sâu và định hình trong hành vi của người dân.

Muốn thị trường vàng ổn định và để “giá vàng Việt Nam chạy theo giá vàng thế giới, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá, nguyên tắc bình thông nhau…bla bla bla…” thì giải pháp duy nhất là mặc kệ nó!

Nói như vậy là bởi vì nếu như nghị định 24 đã làm được chuyện loại vàng ra khỏi lưu thông tiền tệ, trả vàng về đúng bản chất của nó là một kim loại quý thì chỉ nên xem vàng là một loại hàng hóa, hoặc cùng lắm là hàng hóa đặc biệt.

Chúng ta không có các sản phẩm tài chính, chứng chỉ quỹ, sản phẩm phái sinh trên giá vàng thì ổn định giá vàng không phải và không nên xem là mục tiêu của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô khác. Giá vàng tăng 100 usd/đêm thì cứ nằm kê cao gối ngủ, sáng mai cuộc sống của chúng ta cũng chẳng có gì thay đổi. Tất cả mọi người làm được như vậy thì giá vàng tự khắc ổn định và chạy theo xu hướng giá thế giới, giới đầu cơ không còn sàn diễn.

Chừng nào mà báo chí còn 1 ngày lên 10 tít bài về biến động giá vàng thì chừng đó nền kinh tế còn tiếp tục bị vàng bắt làm còn tin!

Nguyễn Khắc Quốc Bảo